ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THANH TRA, GIÁM SÁT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG, THÚC ĐẨY TRIỂN KHAI NGHIÊM TÚC, CÓ HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT SỐ 42

25/05/2022

Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã tăng cường, đổi mới công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm, thúc đẩy triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 42.

 

Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, xác định việc triển khai các chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng nhằm xử lý nhanh, có hiệu quả nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan chủ động, tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, về công tác chỉ đạo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đối với các TCTD trên địa bàn, NHNN đã có các văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết số 42 thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với công tác xử lý nợ xấu, cơ cấu lại, hoạt động cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý thu hồi nợ của các TCTD trên địa bàn; kịp thời khuyến nghị, cảnh báo các TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao, chất lượng tín dụng suy giảm; yêu cầu các TCTD có biện pháp xử lý, kiểm soát tối đa nợ xấu mới phát sinh, đảm bảo an toàn trong hoạt động; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc triển khai, hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 42 tại địa phương.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đã tích cực chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đã bám sát sự chỉ đạo của Hội sở trong việc thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh; Triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, kiểm soát chặt chẽ quá trình xét duyệt cho vay, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích. Đồng thời, các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức, triển khai, bố trí nguồn lực để hỗ trợ các TCTD trên địa bàn xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN đã tăng cường, đổi mới công tác thanh tra, giám sát các TCTD nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 42. Trong thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 42, NHNN đã triển khai những Đoàn kiểm tra công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại nhiều TCTD, từ đó có các kiến nghị, yêu cầu với các TCTD để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42; đồng thời, trong thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 42, trung bình hàng năm NHNN triển khai khoảng 1.300 cuộc thanh tra, kiểm tra  và trong Kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đều có nội dung thanh tra việc thực hiện Nghị quyết số 42 của các TCTD.

Theo Thống đốc NHNN, các cuộc thanh tra hàng năm được triển khai nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nội dung và kế hoạch thanh tra. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, những hạn chế, tồn tại, sai phạm của các TCTD đã được phát hiện và xử lý (trong đó có những hạn chế, tồn tại, sai phạm của các TCTD trong công tác phân loại và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42). Thông qua hoạt động giám sát ngân hàng, NHNN đã nhận diện, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn để kịp thời đưa ra các văn bản cảnh báo, chấn chỉnh trong hoạt động của các TCTD (trong thời gian triển khai Nghị quyết số 42, NHNN có trên 620 văn bản chấn chỉnh, cảnh báo rủi ro, trong đó có nhiều văn bản yêu cầu TCTD áp dụng tối đa các chính sách tại Nghị quyết số 42 để đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu).

Toàn cảnh phiên họp

Ngoài ra, NHNN cũng chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói chung và hoạt động cấp tín dụng nói riêng.

Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng cho biết, NHNN đã thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn; khuyến khích TCTD cho vay mới để khách hàng duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện trả nợ đúng hạn cho TCTD theo thời hạn cơ cấu lại.

Đặc biệt, trước diễn biến mới của dịch Covid-19, NHNN đã ban hành: Thông tư số 13/2021/TT-NHNN ngày 23/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 để giảm phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN để tạo điều kiện cho TCTD tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19; Công điện số 02/CĐ-NHNN ngày 11/3/2020 yêu cầu các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Minh Hùng