CẦN CÓ CƠ CHẾ CHỊU TRÁCH NHIỆM VÀ PHỐI HỢP RÕ RÀNG GIỮA CÁC CƠ QUAN THAM GIA BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

30/08/2022

Vừa qua, tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 08/2022, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Quan tâm tới dự luật, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho rằng, cần có cơ chế chịu trách nhiệm và phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan cùng có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương, 80 Điều. được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (QLNTD) hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.

Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật như sau: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng  Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù; Hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Quan tâm tới quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, TS. Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vô cùng quan trọng và hết sức thiết yếu.

Mặc dù “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” được xác nhận là một trong sáu nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (và là nguyên tắc đầu tiên) nhưng xét cả từ góc độ  lý luận và góc độ  thực tiễn, vị trí và vai trò của quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được khẳng định là trung tâm và định hướng trong mọi hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, điều này xuất phát từ chức năng và quyền lực của Nhà nước.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có tác động quyết định đến hiệu quả hoạt động và cách thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (Luật Bảo vệ QLNTD) đã qua gần 12 năm thực thi và bên cạnh những kết quả, những thành tích to lớn đã đạt được trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, công tác này cũng vẫn còn một số bất cập, hạn chế … cả trong các quy định pháp luật lẫn hiệu quả thực thi Luật trong cuộc sống.

Thực hiện Nghị quyết số 17/2021 ngày 27/07/2021 của Quốc hội v/v điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc Hội.

Ghi nhận khối lượng công việc đồ sộ đã được thực hiện, tinh thần cầu thị, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan ngang bộ, của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm và những nỗ lực to lớn của Ban Soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). TS. Đinh Thị Mỹ Loan đồng tình với nhiều nội dung sửa đổi tại dự thảo.

Liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, TS. Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, cần tiếp tục duy trì hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo mô hình hạt nhân là phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Điều cần nhấn mạnh là muốn nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước về bảo vệ QLNTD thì cần có cơ chế chịu trách nhiệm và phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan cùng có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan  cũng cho biết, so với quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Dự thảo Luật đã làm rõ trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công Thương một cách rõ ràng và đầy đủ. Đồng thời, Mở rộng trách nhiệm tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn.

Tuy nhiên, nên cân nhắc  thay cụm từ  “tuyên truyền” trong trách nhiệm tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội bằng cụm từ “nâng cao nhận thức” sẽ chuẩn xác hơn do “tuyên truyền” chỉ là một phần của việc “nâng cao nhận thức”. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung Tòa án nhân dân tối cao vào điều 76 với trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Ngoài ra, bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp như dự thảo, TS. Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, dự thảo đã làm rõ và bổ sung nhiều điểm mới vào “Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp” so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 theo hướng tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp tại các địa phương (các khoản 5; 6; 7; 8 và 9). Điều này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ QLNTD khi được triển khai trong cuộc sống./.

Lê Anh