KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 21/10, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Trước đó, dự án Luật này đã được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 9/2022.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 9/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung thêm 02 điều; sửa đổi, bổ sung thêm 04 điều; đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Phụ lục 4 Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tại hội nghị lần này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các vấn đề lớn gồm quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; về phương thức cấp phép; về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần; về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Một là về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng (khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật). Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, làm rõ việc giới hạn có làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không. Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện để xác định hạn mức sử dụng băng tần nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Cạnh tranh về quyền tự do kinh doanh, quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, băng tần dành cho thông tin di động là hữu hạn. Nếu không giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động mà một doanh nghiệp được sử dụng thì với phương thức cấp phép thông qua đấu giá và cho phép chuyển nhượng có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh sẽ thâu tóm lượng lớn tần số, các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, làm giảm, thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường.
Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động được cấp phép áp dụng với mọi doanh nghiệp. Do đó, không gây bất bình đẳng đối với một doanh nghiệp cụ thể nào, không làm giảm sức cạnh tranh của thị trường và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp, không trái với khoản 2 Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp năm 2013, Luật Cạnh tranh.
Theo kinh nghiệm của 22 quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có 19/22 quốc gia (chiếm 86%) quy định giới hạn băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp. Vì vậy, đề nghị cho giữ quy định này như dự thảo Luật.
Hai là về phương thức cấp phép (khoản 5, 6, 7, 8 Điều 1 dự thảo Luật). Có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng để đưa ra được phương thức cấp phép phù hợp trong 5 năm tới hoặc lâu hơn sao cho phù hợp với thực tiễn; có ý kiến đề nghị chỉ đấu giá, không thi tuyển; nhiều ý kiến đề nghị quy định tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho từng phương thức.
Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa và giữ cả 3 phương thức cấp phép như Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, trong đó bổ sung quy định cụ thể về loại băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp; điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể khi triển khai áp dụng.
Trong dự thảo Luật, phương thức cấp phép thông qua đấu giá đã được chú trọng hơn. Các phương thức cấp phép không thông qua đấu giá (thi tuyển, cấp trực tiếp) vẫn cần thiết phải duy trì, khi Nhà nước cần tác động trực tiếp vào thị trường như: tạo ra các doanh nghiệp mới để thúc đẩy cạnh tranh hoặc phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các nội dung về phương thức, điều kiện cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp đã được thể hiện tại các khoản 5, 6, 7, 8 Điều 1 dự thảo Luật.
Ba là, về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần (khoản 10 Điều 1 dự thảo Luật). Một số ý kiến đề nghị làm rõ tại sao có quy định các mốc thời gian doanh nghiệp phải nộp đề nghị cấp lại là 03 năm và 06 tháng; có thể nâng từ 03 năm lên thành 05 năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động phương án kinh doanh không; có ý kiến đề nghị xem xét thời hạn cấp lại để tránh tình trạng giấy phép hết hạn rồi nhưng thủ tục cấp lại vẫn chưa kịp. Một số ý kiến đề nghị thể hiện lại quy định về cấp lại giấy phép cho rõ ràng. Một số ý kiến đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chí cụ thể xác định tính hiệu quả sử dụng băng tần, kênh tần được cấp lại.
Dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để quy định rõ việc cấp lại giấy phép sử dụng băng tần và các điều kiện để cấp lại giấy phép sử dụng băng tần. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông phải thông báo quy hoạch băng tần chậm nhất 03 năm trước ngày giấy phép sử dụng băng tần hết hiệu lực; sửa đổi quy định mốc thời gian doanh nghiệp phải nộp đề nghị cấp lại là 03 năm và 06 tháng tại khoản 10 Điều 1.