MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN VỀ VIỆC TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (SỬA ĐỔI)

13/08/2024

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, sáng 13/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Trước khi thảo luận về nội dung này, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày tóm tắt báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

KHAI MẠC PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT THÁNG 8/2024 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT CÔNG ĐOÀN (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Phiên họp

Cùng dự Phiên họp có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; các  cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Cảnh sát biển Việt Nam…

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi và nội dung cơ bản của dự thảo Luật; đồng thời tham gia nhiều ý kiến tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Căn cứ quan điểm sửa đổi Luật và chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã nghiên cứu thận trọng, tiếp thu tối đa và giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan hữu quan, các chuyên gia trong từng lĩnh vực và đến nay, dự thảo Luật về cơ bản đã có sự thống nhất cao.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương, 67 điều (tăng 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ Điều 45 và 58, bổ sung các điều 21, 40 và 67; sửa đổi 65 điều, giữ nguyên 02 điều).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Về khái niệm “mua bán người” (khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người (PCMBN), bảo đảm tiệm cận với các điều ước quốc tế về PCMBN mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, để bảo đảm thống nhất với quy định của BLHS, Luật Nuôi con nuôi và bảo đảm phù hợp với thực tế, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung cụm từ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” vào sau cụm từ “lợi ích vật chất khác” vào đoạn 2 khoản 1 Điều 2.

Liên quan đến khái niệm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (khoản 6 và khoản 7 Điều 2), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc xác định nạn nhân cần phải dựa trên tiêu chí cụ thể, như bị xâm hại bởi hành vi mua bán người và được cơ quan có thẩm quyền xác định. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rộng hơn so với yêu cầu của các điều ước quốc tế trong việc hỗ trợ cả người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Do đó, đề nghị cho giữ như trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo vệ quyền trẻ em, dự thảo Luật đã có quy định hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tâm lý, chi phí đi lại, hỗ trợ pháp luật, phiên dịch.

Về hành vi mua bán bào thai, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trước tình hình mua bán bào thai đang diễn biến phức tạp và việc xử lý hành vi mua bán bào thai chưa được pháp luật điều chỉnh. Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 3 của dự thảo Luật được bổ sung 01 khoản (khoản 2) quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Đối với chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (Điều 5 của dự thảo Luật), một số ý kiến ĐBQH đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp và khu vực biên giới. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật đã được bổ sung nội dung “địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp”.

Liên quan đến trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được bổ sung 01 điều (Điều 21) quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức này trong công tác PCMBN.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH về đối tượng bảo vệ (Điều 35), dự thảo Luật được bổ sung 01 khoản (khoản 4) vào Điều 35 quy định đối tượng được bảo vệ là: “Cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân” để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và khuyến khích họ tham gia công tác PCMBN. Đồng thời, dự thảo Luật đã được bổ sung 01 khoản (khoản 4) vào Điều 36 quy định về phạm vi bảo vệ đối với người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

Về đối tượng và chế độ hỗ trợ (Điều 38 của dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo đảm quyền lợi tốt nhất dành cho trẻ em, Điều 38 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ như nạn nhân, trừ hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Quy định này đã được cân nhắc kỹ để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước. Các chế độ hỗ trợ khác dành cho trẻ em (nếu có) thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành dự Phiên họp

Bên cạnh đó, Điều 38 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng nạn nhân là công dân Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng đang ở nước ngoài thì được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế và chi phí phiên dịch. Sau khi những người này được cơ quan có thẩm quyền ở trong nước tiếp nhận và xác minh thì họ sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ khác như người đang trong quá trình xác định là nạn nhân ở trong nước.

Về Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (Điều 47), Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị vẫn giữ quy định thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân vì quy định này mang tính dự liệu nhằm huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ nạn nhân, hoạt động không sử dụng ngân sách nhà nước mặc dù Luật phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định về việc thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân nhưng đến nay, chưa có cơ sở nào được thành lập. Đồng thời cho rằng, để huy động sự tham gia của các Cơ sở trợ giúp xã hội khác trong việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (cơ sở này phải được UBND cấp tỉnh cấp phép hoạt động), dự thảo Luật đã được bổ sung 01 khoản (khoản 3) vào Điều 47, đồng thời chỉnh sửa điểm g khoản 1 Điều 60 của dự thảo Luật.

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính (Điều 58), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, để bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật và thực hiện nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị bỏ Điều 58 về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong dự thảo Luật./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác