UBTVQH THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

19/08/2024

Sáng 19/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.

UBTVQH XEM XÉT BÁO CÁO GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Toàn cảnh phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) xác định việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị, với các mục tiêu cụ thể cần đạt được trong từng giai đoạn đến năm 2021, 2025 và 2030. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ tập trung xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL, làm cơ sở để tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL.

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát đã phản ánh đầy đủ, toàn diện kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2023; đáp ứng mục đích, yêu cầu giám sát hay chưa?. Đồng thời, đánh giá của Đoàn giám sát về 07 kết quả nổi bật, 07 tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, 09 bài học kinh nghiệm… như nêu trong Báo cáo đã sát thực, đầy đủ, phản ánh khách quan tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của ĐVSNCL trong giai đoạn giám sát.

Ngoài ra, đối với 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trong Báo cáo, trọng tâm là hoàn thiện thể chế và tiếp tục triển khai các chủ trương, định hướng của Đảng được đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị đã bảo đảm toàn diện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy quá trình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL thời gian tới? Cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như thế nào?

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, đã đáp ứng yêu cầu trình UBTVQH xem xét, thông qua? Yêu cầu các ý kiến góp ý, đề xuất cụ thể cả về kết cấu và nội dung để hoàn thiện trước khi UBTVQH biểu quyết thông qua.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Đoàn Giám sát trong quá trình triển khai Chuyên đề giám sát. Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề và hồ sơ, tài liệu được Đoàn giám sát chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, đáp ứng mục đích giám sát đã đề ra.

Để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, dự thảo Nghị quyết, các đại biểu lưu ý, Đoàn Giám sát tập trung làm rõ, phân tích nguyên nhân của một số vướng mắc, hạn chế. Trong đó, có nội dung liên quan đến: Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp (1,42%). Việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế đối với tất cả các ĐVSNCL còn cào bằng, chưa thực sự phù hợp, đặc biệt đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo;…

Tỷ lệ ĐVSNCL đạt mức tự chủ từ mức 2 trở lên còn hạn chế, tiến độ chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW; mức độ tự chủ chưa cao, không đồng đều trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, chỉ tập trung ở một số lĩnh vực sự nghiệp kinh tế dễ thu lợi nhuận và tập trung ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển;… Vẫn còn tình trạng phân tán, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các tổ chức khoa học và công nghệ gặp nhiều khó khăn…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng để đảm bảo đầy đủ hơn; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động các tổ chức công lập, từ đó quyết định chính sách cho phù hợp;...

Ngoài ra, một số ý kiến cũng kiến nghị, Đoàn Giám sát cần nghiên cứu bổ sung thêm nội dung về quan điểm, định hướng lớn trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức, sắp xếp lại các ĐVSNCL, trong đó làm rõ các quan điểm tại các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng; Quan tâm tới vấn đề về xác định lĩnh vực, địa bàn ưu tiên thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công như giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, môi trường, địa bàn vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để quy định chính sách phù hợp về mức độ sắp xếp và các yêu cầu; tránh cào bằng, bình quân; thực hiện theo nguyên tắc "những lĩnh vực địa bàn có khả năng xã hội hóa cao thì yêu cầu cao hơn về mức độ thực hiện sắp xếp, tinh giản hoặc mức độ tự chủ kinh phí";...

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Đoàn Giám sát đã làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, bài bản; Chính phủ đã cơ bản thống nhất với những nội dung kết quả giám sát. Đồng thời, Báo cáo Giám sát cũng đã chỉ rõ những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại/hạn chế; phân tích, chỉ ra nguyên nhân của tồn tại/hạn chế và đề ra nhiều giải pháp kiến nghị nhằm khắc phục trong thời gian tới.

Nhấn mạnh đây là nội dung phức tạp liên quan đến tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế tuy nhiên, với sự vào cuộc, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Việc thể chế hoá chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của ĐVSNCL còn chưa đầy đủ, kịp thời; Quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của ĐVSNCL còn phân tán; Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL chủ yếu còn mang tính cơ học;…

Để khắc phục 03 điểm nghẽn cơ bản hiện nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp sát thực, đủ mạnh, hữu hiệu để thực hiện hiệu quả việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trong thời gian tới; khắc phục triệt để những vướng mắc đã được chỉ ra trong quá trình giám sát. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế; đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ; không để xảy ra tình trạng sắp xếp cơ học; thống nhất và đồng bộ đối với vấn đề tự chủ; cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến việc thành lập đơn vị sự nghiệp ngoài công lập;…

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ lưỡng, cách thức thể hiện cần ngắn gọn, khái quát nhưng vẫn truyền tải đầy đủ các nội dung, yêu cầu; đối với các giải pháp nêu tại Nghị quyết cần rõ ràng, khả thi;..

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đoàn Giám sát, ghi nhận sự chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm của Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục và Tổ Giúp việc trong việc tham mưu, giúp việc cho Đoàn giám sát.

Nhấn mạnh đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rất rộng và khó, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành ở Trung ương và 63 địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn giám sát đã bám sát Kế hoạch giám sát chi tiết để triển khai các hoạt động; phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức công việc bài bản, khoa học để hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ đề ra đúng tiến độ, đến nay cơ bản đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất về nhận định, đánh giá và các nội dung nêu trong Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết.

UBTVQH cũng ghi nhận sự phối hợp tích cực, hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương, các Đoàn ĐBQH trong quá trình Đoàn giám sát tiến hành giám sát chuyên đề này. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 62-KL/TW và UBTVQH ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2024, trong đó có chuyên đề giám sát này, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, khẩn trương ban hành nhiều văn bản, khắc phục một bước tình trạng nợ đọng, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Đồng thời, Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề và hồ sơ, tài liệu trình UBTVQH xem xét được Đoàn giám sát chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, đáp ứng mục đích giám sát đã đề ra.

Về kết quả đạt được, nội dung của Báo cáo và dự thảo Nghị quyết đã đánh giá được toàn diện tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL giai đoạn 2018 - 2023, bao gồm cả các các giai đoạn trước và sau có liên quan, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động của các ĐVSNCL và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kết luận số 62-KL/TW như: sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL; quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL; hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với ĐVSNCL, trọng tâm là tự chủ tài chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ĐVSNCL….

Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị, cần bổ sung thêm nhóm ưu điểm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp; bổ sung nhận định đánh giá về nâng cao chất lượng hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập; dẫn chứng cụ thể số liệu các đơn vị làm tốt, nguyên nhân và kinh nghiệm của các đơn vị đã thực hiện tốt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ;…

Về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm, UBTVQH nhận thấy, Báo cáo và dự thảo Nghị quyết đã chỉ rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan với nhiều số liệu, bảng biểu chi tiết minh chứng cho các nhận định, đánh giá; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trong thời gian tới.

Đồng thời, UBTVQH đề nghị cần phân tích rõ hơn nguyên nhân giai đoạn 2021 -2023 giảm dần số lượng sắp xếp; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương còn nhiều; làm rõ hơn nhận thức về tự chủ; sự thống nhất đồng bộ trong thực hiện tự chủ; có hay không sự không nhất của các văn bản trong thực hiện tự chủ;…

UBTVQH biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về nguyên tắc và giao các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh văn bản, trình Chủ tịch Quốc hội xem xét, ký ban hành.

Về giải pháp, kiến nghị, UBTVQH cơ bản nhất trí với 4 nhóm giải pháp về thể chế chính sách pháp luật từ nay đến 2030; nhất trí 8 nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện; 5 nhóm giải pháp về nguồn lực, 4 kiến nghị với Quốc hội, UBTVQH,… trong tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả ĐVSNCL được nêu trong Báo cáo. Cùng với đó, đề nghị có giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công; phù hợp với lĩnh vực địa bàn nhất là sắp xếp ở cấp huyện; khắc phục việc sắp xếp cơ học; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận các chính sách của nhà nước về giá đất, giao đất, đấu thầu đất...; ban hành cơ chế đánh giá thực hiện tự chủ;..

Liên quan tới dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu, rà soát dự thảo đảm bảo cách thức thể hiện ngắn gọn; nội dung cần khái quát nhưng vẫn thể hiện được đầy đủ nội dung, yêu cầu; các giải pháp đề ra phải bảo đảm rõ ràng, khả thi;…

Cũng tại phiên họp, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về nguyên tắc và giao Thường trực Uỷ ban Pháp luật giúp Đoàn giám sát tiếp thu, hoàn chỉnh văn bản Nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội xem xét, ký ban hành và gửi tới các Đại biểu Quốc hội theo đúng thời gian như Kế hoạch.

***Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Quang cảnh phiên họp

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng -  Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát báo cáo tại phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm góp ý tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ, Khoa học và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp

UBTVQH biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về nguyên tắc và giao các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh văn bản, trình Chủ tịch Quốc hội xem xét, ký ban hành./.

Lê Anh - Phạm Thắng

Các bài viết khác