Cần áp dụng mức thuế đủ mạnh với đồ uống có đường

24/11/2024

Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.

Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Khuyến nghị tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá

Toàn cảnh Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ và Trưởng Chương trình Vì sự sống còn, Phát triển trẻ em và Môi trường, UNICEF Maharajan Muthu đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có: Các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện UNICEF; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Uỷ ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan; đại diện một số tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hệ thống chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thời gian qua đã được sửa đổi, bổ sung kịp thời, cơ bản đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu khai mạc

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, hiện vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em cần được quan tâm, đặc biệt là về sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ. Hội thảo hôm nay nhằm cung cấp thông tin cập nhật cho các đại biểu Quốc hội về ảnh hưởng của đồ uống có đường đối với tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em; vai trò của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường trong phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em. Qua đó, giúp các đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở tham khảo trong quá trình xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Đồ uống có đường tăng nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, việc tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên và quá nhiều là yếu tố góp phần làm tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Đồ uống có đường bất kể là được tạo ngọt bằng đường hay chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) đều kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no. Chính vì vậy, khi một người tiêu thụ đồ uống có đường lâu ngày, "ngưỡng ngọt" của người đó tăng dần lên, khiến cho họ có xu hướng ăn các thực phẩm khác ngọt hơn bình thường. Việc tăng tiêu thụ đường và đồ uống có đường dẫn đến việc tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì.

Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai

Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai nêu rõ, tiêu thụ đồ uống có đường trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ béo phì và thừa cân/béo phì cao hơn ở 5 tuổi. Uống thêm mỗi 100ml đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến chỉ số BMI cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân/béo phì lên 1,2  lần ở tuổi lên 6.

Ngoài ra, đồ uống có đường còn ảnh hưởng đến hệ xương, răng của trẻ; vấn đề huyết áp, tim mạch; giảm hấp thu các chất dinh dưỡng; bệnh lý thận, tiết niệu; bệnh lý đường tiêu hoá, ung thư; đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, sa sút trí tuệ… Qua khảo sát trên 5.147 trẻ em, thanh thiếu niên và người chăm sóc trẻ ở các thời điểm trẻ 11, 13 và 16 tuổi cho thấy, các trẻ uống nước ngọt thường xuyên hơn có hành vi hung hăng hơn tại mỗi thời điểm và các triệu chứng trầm cảm ở lứa tuổi 11 và 13.

Chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF Đỗ Hồng Phương

Chung mối lo ngại, chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF Đỗ Hồng Phương cảnh báo, trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như: Tiểu đường, tim mạch, ung thư, các bệnh mãn tính khác và tử vong sớm. Bên cạnh đó còn có thể bị tác động tiêu cực về tâm lý và xã hội, chịu các định kiến về cân nặng, bị cô lập, trầm cảm, thiếu tự tin, kết quả học tập kém.

Do đó, các chuyên gia cho rằng cần thiết phải có biện pháp giảm tiêu thụ đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe. Lượng đường tự do trong khẩu phần tiêu thụ của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để đảm bảo các lợi ích về sức khỏe; tương đương dưới 25 - 50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25g đường mỗi ngày với trẻ em.

“Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường. Trẻ em từ 2 đến 18 tuổi, nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g mỗi ngày; đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần”, Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai khuyến nghị.

Cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Theo các đại biểu, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép các cửa hàng bán đồ ăn nhanh, đồ uống có đường. Xây dựng quy định về hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các nhãn hàng đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em.

Đặc biệt, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Các đại biểu cho rằng, việc này vừa giúp tằng nguồn thu ngân sách, vừa đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, giảm thiểu chi phí y tế trực tiếp để điều trị đối với các bệnh mãn tính, tăng sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Đồng thời góp phần giúp Việt Nam thực hiện đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em trong chăm sóc dinh dưỡng.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết, số lượng các quốc gia áp thuế với đồ uống có đường trên thế giới đang tăng rất nhanh. Đến tháng 8/2023, đã có ít nhất 104 quốc gia đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Trong đó, gần 2/3 quốc gia áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp. Gần 1/5 quốc gia (chủ yếu là quốc gia theo phương pháp tuyệt đối) áp dụng nguyên tắc lượng đường càng cao thì mức thuế càng lớn.

Theo TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cần phải nghiên cứu thị trường đồ uống định kỳ để xác định các sản phẩm được tiêu dùng phổ biến ngoài danh mục TCVN 12828: 2019 để kịp thời đề xuất bổ sung vào danh mục đối tượng chịu thuế. Riêng với đồ uống có chất dinh dưỡng nhưng có hàm lượng đường cao được trẻ em tiêu dùng phổ biến, cần có lộ trình đưa vào đối tượng chịu thuế; áp dụng nguyên tắc tính thuế theo ngưỡng đường nhằm tạo sự khác biệt rõ rệt về mức giá theo hàm lượng đường, tạo động lực để nhà sản xuất cắt giảm lượng đường trong sản phẩm và tạo môi trường thuận lợi để trẻ được tiếp cận với sản phẩm lành mạnh hơn (ít đường hơn/không đường), góp phần giảm đà gia tăng thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam. 

Mức thuế cần đủ mạnh để đạt hiệu quả bảo vệ sức khỏe

Về phương pháp tính thuế và thuế suất, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường để đến 2030 thuế suất đạt 20% giá bán lẻ, đạt mức đủ mạnh để đạt hiệu quả bảo vệ sức khỏe theo khuyến cáo của WHO. Cùng với đó, cần có lộ trình đổi mới phương pháp tính thuế từ thuế theo tỷ lệ sang phương pháp thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp để tăng hiệu quả bảo vệ sức khỏe của chính sách, theo đúng định hướng “nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế” của Chiến lược Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt cho giai đoạn 2021-2030.

Các đại biểu tại Phiên họp

Các đại biểu cũng lưu ý, cần phải có lộ trình tính đến hàm lượng đường khi xây dựng mức thuế nhằm tạo sự khác biệt về giá giữa đồ uống có hàm lượng đường thấp với đồ uống có hàm lượng đường cao, tạo động lực để doanh nghiệp cắt giảm lượng đường trong đồ uống, cung cấp cho thị trường đa dạng các sản phẩm ít đường hơn hoặc không đường, duy trì được doanh số bán, giảm thiểu tác động của chính sách đến doanh nghiệp. 

Bên cạnh giải pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, một số ý kiến đại biểu cũng khuyến nghị, cần nghiên cứu thêm nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp về thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao và thay đổi nhận thức về hành vi đối với đồ uống có đường, cũng như các thực phẩm chứa đường khác.

Đối với giải pháp về chính sách pháp luật, các đại biểu cho rằng, không chỉ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mà các Luật khác về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, quảng cáo... cũng cần có quy định về vấn đề này.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ 

Phát biểu kết thúc nội dung hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, trước thực trạng thừa cân, béo phì gia tăng ở trẻ em Việt Nam, nhất là ở khu vực đô thị, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển toàn diện của trẻ em và chất lượng giống nòi, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, với sự tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội, các đại biểu của các cơ quan Trung ương và địa phương, Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em đã thành công tốt đẹp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, những ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo hôm nay là nguồn thông tin tham khảo hữu ích trong quá trình nghiên cứu, góp ý cho dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như trong việc xem xét, quyết định những vấn đề liên quan tới trẻ em của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, của các đại biểu Quốc hội trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn, Phát triển trẻ em và Môi trường, UNICEF

Các đại biểu tại Phiên họp

Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thanh Hải

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế

BS. Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO

Sinh viên Trịnh Hồng Bảo Hân phát biểu cảm nhận

Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Các đại biểu tại Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu kết thúc Hội thảo

Thu Phương – Nghĩa Đức