Sáng 7.3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Đặc xá.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm trình bày tờ trình dự thảo Luật Đặc xá; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển trình bày báo cáo thẩm tra. Dự thảo Luật Đặc xá được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất cho công tác đặc xá, thực hiện có hiệu quả chính sách nhân đạo của Nhà nước và góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn, giải quyết các yêu cầu về đặc xá, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Một trong những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau trong dự luật là về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định rõ về thời điểm, thủ tục và tiêu chuẩn của các đối tượng được đề nghị đặc xá. Theo quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật thì thời điểm đặc xá do Chủ tịch Nước xem xét, quyết định nhân các sự kiện trọng đại của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch Nước quyết định đặc xá riêng đối với một hoặc một số người bị kết án cụ thể. Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh và Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình đồng tình với ý kiến này và cho rằng quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định đặc xá. Tuy nhiên, các ý kiến khác đều cho rằng không nên quy định cứng về thời điểm đặc xá. Đặc xá là thẩm quyền đặc biệt của Chủ tịch Nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người đang chấp hành hình phạt tù, vì vậy dự thảo luật không nên quy định về thời điểm đặc xá mà chỉ quy định trình tự, thủ tục thực hiện quyết định về đặc xá. Theo Phó chủ tịch QH Trương Quang Được thì việc ra quyết định đặc xá phải ở trong thời điểm đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt, do vậy tính khái quát của đặc xá là không có thời gian hạn định, quy định như trong dự thảo luật là không phù hợp và không phản ánh đầy đủ ý nghĩa của việc đặc xá. PCT Trương Quang Được đề nghị cần xem xét bổ sung thời điểm đặc xá có thể thực hiện ở thời điểm bất kỳ do Chủ tịch Nước quyết định. Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên bổ sung thêm: Nếu quy định cụ thể về thời điểm đặc xá sẽ dễ dẫn đến việc cải tạo hình thức của các phạm nhân để được hưởng đặc xá.
Theo dự thảo Luật Đặc xá thì tiêu chuẩn được hưởng đặc xá là các đối tượng đang chấp hành hình phạt tù, người được hoãn chấp hành hình phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển cho rằng, quy định như vậy là chưa thể hiện rõ về bản chất của đặc xá. Vì quyết định đặc xá cả với trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tù và trường hợp đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù sẽ dẫn đến chồng chéo với quyết định xét xử của Tòa án đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Chủ nhiệm Vũ Đức Khiển đề nghị cần rà soát, xem xét lại quy định về đối tượng điều chỉnh để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản luật. Đa số các ý kiến của UBTVQH đồng tình với quan điểm này.
Quy định về Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương và Hội đồng Tư vấn đặc xá cấp tỉnh trong dự án Luật cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình thì chỉ nên thành lập Hội đồng Tư vấn TƯ có trách nhiệm tư vấn cho Chủ tịch Nước xem xét, quyết định các trường hợp đặc xá. Còn việc thành lập Hội đồng Tư vấn cấp tỉnh là không cần thiết mà nên giao cho Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm báo cáo các trường hợp đề nghị được đặc xá. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển thì đề nghị nên giao cho các cơ quan tư pháp cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này.
Ngoài các nội dung nêu trên, các ý kiến khác cho rằng cần bổ sung quy định riêng về vai trò của QH, các cơ quan của QH và HĐND cấp tỉnh giám sát về vấn đề đặc xá; Tính công khai, minh bạch về chính sách, thủ tục, tiêu chuẩn của đối tượng hưởng đặc xá; Xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm giúp các đối tượng hưởng đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng... Theo dự kiến, dự thảo Luật Đặc xá sẽ được QH cho ý kiến tại Kỳ họp 11, QH khóa XI.
Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã cho ý kiến về việc cho người lao động nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, QH Khóa XI.
Theo Tờ trình của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và ý kiến của Thường trực ủy ban Về các vấn đề xã hội về việc cho người lao động nghỉ ngày giỗ Tổ Hùng Vương cho thấy, ngày 10.3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn mang bản sắc văn hóa dân tộc và là dịp để mỗi người dân Việt Nam hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước. Vì vậy, việc cho phép người lao động nghỉ thêm 1 ngày vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tăng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Đa số các ý kiến của các Ủy viên UBTVQH đều đồng tình với quan điểm này và cho rằng việc cho phép người lao động được nghỉ thêm 1 ngày là phù hợp. Không hẳn đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Vũ Đức Khiển bày tỏ băn khoăn về căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học để xác định ngày 10.3 âm lịch là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Chủ nhiệm cho rằng, việc quyết định thêm 1 ngày nghỉ là quyết định của Nhà nước không nên căn cứ vào truyền thuyết mà phải căn cứ vào các số liệu lịch sử cần thiết. Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc quy định thêm ngày nghỉ vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ có ý nghĩa chính trị to lớn, tạo sự đồng thuận và tăng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Các ý kiến của UBTVQH đều đồng tình với quan điểm này và thống nhất đề nghị sẽ đưa nội dung này vào chương trình Kỳ họp thứ 11, QH Khóa XI. Về hình thức ban hành văn bản, UBTVQH đề nghị không ban hành riêng một nghị quyết về nội dung này mà sẽ bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 nội dung Luật sửa đổi, bổ sung điều 73 Bộ Luật Lao động nhằm thực hiện đúng quy trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Về thời gian thực hiện ngày nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương được áp dụng từ năm 2007 hoặc từ năm 2008 sẽ do QH quyết định tại kỳ họp tới.
Dự kiến Kỳ họp thứ 11, QH khóa XI sẽ bổ sung nội dung trình QH xem xét, quyết định việc cho phép người lao động được nghỉ việc, hưởng nguyên lương vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10.3 âm lịch hàng năm; Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện dự án Khí – Điện- Đạm Bà Rịa- Vũng Tàu và phương án xây dựng Nhà Quốc hội; Rút dự án Luật Tương trợ tư pháp ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật của kỳ họp. Nội dung trọng tâm của kỳ họp cuối nhiệm kỳ là tổng kết công tác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước nên cần ưu tiên thời gian thảo luận các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, đặc biệt thảo luận, đánh giá sâu những vấn đề trọng tâm để rút ra bài học có tính chiến lược phục vụ cho nhiệm kỳ QH Khóa XII. Dự kiến tổng thời gian làm việc thực tế của kỳ họp khoảng 15 ngày, trong đó, nội dung tổng kết nhiệm kỳ kéo dài 6 ngày, công tác xây dựng pháp luật kéo dài 4 ngày, thảo luận các chuyên đề giám sát 1,5 ngày, chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2 ngày và các vấn đề khác là 1,5 ngày. Dự kiến, QH sẽ họp Phiên trù bị vào ngày 19.3, khai mạc vào ngày 20.3 và bế mạc vào ngày 6.4.