Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát của UBTVQH về giáo dục đại học

11/04/2010

Ngày 9.4, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Thống kê của Đoàn giám sát của UBTVQH về giáo dục đại học cho thấy:  chỉ trong 10 năm qua, đã có 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập. Đến tháng 9.2009, cả nước có 412 trường đại học, cao đẳng; tỷ lệ sinh viên/vạn dân là 195. Dự thảo Báo cáo giám sát nhận định: việc thành lập quá nhiều cơ sở giáo dục đại học, dẫn đến tình trạng mất cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo chủ yếu là do việc triển khai quy hoạch mạng lưới chưa đúng yêu cầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành các văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương về việc lập quy hoạch phát triển các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy hoạch chung của Chính phủ. Việc thành lập các cơ sở giáo dục chủ yếu chạy theo quy mô, chạy theo thành tích của các bộ, ngành, địa phương mà chưa căn cứ vào nhu cầu về nguồn nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo. Mặt khác, quy trình, thủ tục và điều kiện thành lập trường chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc; rất nhiều trường sau khi có quyết định thành lập đến khi được tuyển sinh khóa đầu tiên không đạt được những tiêu chí cơ bản nhất về đất đai, đội ngũ, vốn đầu tư và các điều kiện bảo đảm chất lượng.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị tán thành với đánh giá của dự thảo Báo cáo giám sát về nguyên nhân trực tiếp của các hạn chế, tồn tại của giáo dục đại học hiện nay là nguyên nhân chủ quan. Cụ thể là, nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Công tác quản lý còn yếu kém;  hệ thống quản lý còn cồng kềnh. Ngoài việc chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học còn chịu sự quản lý của các cơ quan chủ quản, của địa phương... Theo một số đại biểu, đến thời điểm hiện nay nước ta cũng chưa có một tổ chức nào nghiên cứu, dự báo về nhu cầu lao động (số lượng, trình độ, cơ cấu nghề nghiệp, chất lượng... ) để làm cơ sở cho ngành giáo dục và đào tạo xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển. Về phía các cơ sở giáo dục đại học cũng rất ít trường xây dựng được bộ phận nghiên cứu thị trường lao động, nếu có bộ phận này thì hiệu quả hoạt động cũng rất hạn chế. Trong khi đó, việc quản lý chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng vẫn nặng về đầu vào, chưa quan tâm thỏa đáng đến việc kiểm định chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhất trí với kiến nghị của Đoàn giám sát về việc trình QH xem xét, sớm ban hành Luật Giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống giáo dục đại học và rà soát. Phó chủ tịch yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các văn bản pháp quy về giáo dục đại học; đồng thời nghiên cứu trình UBTVQH, QH sửa đổi các đạo luật có liên quan để tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển toàn diện theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

 

 

B.Long

(http://nguoidaibieu.com.vn/)