Hội đồng Dân tộc giám sát thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo

12/02/2012

Ngày 10.2, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo đã làm việc với các bộ, ngành.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, với các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo hiện hành và các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a, thì đến nay đã cơ bản thực hiện mục tiêu đề ra. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện này đã giảm xuống còn 37% (bình quân giảm 5%/năm), đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40%; thu nhập bình quân đầu người tại những địa phương này đã tăng 2,5 lần, từ 2,5 triệu đồng/người/năm lên trên 6 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo còn khoảng 51%, giảm 6% so với năm 2010. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, đến nay, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 30a đã cơ bản hoàn chỉnh và phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện. Chính sách này được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tập trung với hệ thống giải pháp toàn diện từ hỗ trợ sản xuất, đào tạo nâng cao dân trí đến nâng cao năng lực quản lý của cán bộ chính quyền địa phương và đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, một số địa phương còn quan niệm Nghị quyết 30a là tăng vốn đầu tư của ngân sách Trung ương cho địa phương nên mới tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo thu nhập cho người dân. Mặt khác, tuy đã được phân cấp, giao quyền chủ động cho cấp huyện nhưng do trình độ, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ huyện, xã còn hạn chế nên vẫn thụ động, chờ vào hướng dẫn của cấp trên, chưa có giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện tại địa bàn quản lý. Theo đại diện Bộ Tài chính, vẫn còn tình trạng không phân bổ hết vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ; hoặc sử dụng không đúng nguồn, phân bổ không đúng danh mục quy định. Cá biệt, một số chính sách đã được bố trí kinh phí thực hiện nhưng có địa phương chưa tổ chức thực hiện.

 

Đoàn giám sát ghi nhận ý kiến của các bộ, ngành về những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết 30a, nhất là những quy định thiếu tính khả thi hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển KT - XH hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để mỗi chính sách đều hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện cho người dân tại 62 huyện nghèo phát huy nội lực của mình cũng như phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trước mắt, cần tập trung đầu tư cho giáo dục, tuyên truyền để góp phần nâng cao dân trí, trình độ sản xuất cho người dân; chấn chỉnh việc sử dụng vốn đầu tư cho khoa học, công nghệ; nâng cao trình độ, năng lực quản lý và ý thức trách nhiệm của cán bộ địa phương. Bởi dân trí thấp là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển, người dân sẽ không tiếp thu được sự giúp đỡ từ bên ngoài, cũng như các công nghệ sản xuất mới. Nhiều địa phương vẫn sử dụng vốn cho khoa học, công nghệ sai mục đích, nhất là không đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ mà chỉ dành cho các khoản chi thường xuyên. Và do trình độ, năng lực quản lý của cán bộ địa phương còn hạn chế nên còn nhiều bất cập trong triển khai Nghị quyết 30a, người dân chưa được thụ hưởng đầy đủ các tác động của chính sách.

 

 

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn)