Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, hệ thống cơ chế chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn. Giai đoạn 2006 – 2010, Quảng Ngãi đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn hơn 7 nghìn tỷ đồng; đầu tư xây dựng 88km đường tỉnh, hơn 300km đường huyện; Chương trình có đường ôtô đến trung tâm xã, đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông đến trung tâm các xã miền núi; Chương trình 135 đã đầu tư 340 công trình cho các xã đặc biệt khó khăn và 57 công trình giao thông, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt tập trung, xây dựng mới và nâng cấp trường học tại các thôn đặc biệt khó khăn; tiếp tục thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn ở ven biển và hải đảo. Quảng Ngãi cũng đã xây dựng được 16 bệnh viện và trung tâm y tế xã... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách, các chương trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong vùng, giữa địa phương và bộ, ngành, Trung ương chưa cao; một số nơi chính quyền cấp xã chưa nhận thứác được lợi ích của Chương trình, chưa thực sự trách nhiệm trong việc thực hiện các dự án do xã làm chủ đầu tư và quản lý. Bên cạnh đó, một số chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực này được điều chỉnh, bổ sung nhưng thông tư hướng dẫn lại chưa kịp thời, còn chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tế của từng địa phương, hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định giữa các bộ, ngành cũng có những điểm chưa thống nhất nên địa phương còn lúng túng khi thực hiện. Quảng Ngãi đề nghị tăng mức bố trí vốn các dự án, hỗ trợ có mục tiêu theo các Chương trình như chương trình củng cố đê biển, chương trình khu neo đậu tránh, trú bão tàu thuyền, chương trình phát triển giống cây trồng – vật nuôi và giống thủy sản; tiếp tục giao vốn trái phiếu Chính phủ để tỉnh hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án chuyển tiếp lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ghi nhận kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát cho rằng, cần đánh giá sâu sắc hơn nữa hiệu quả của các chương trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn của Ngân hàng phát triển, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn và nguồn vốn ODA; phân tích và đánh giá vai trò của người dân trong việc tham gia dự án, chương trình xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đối với việc lồng ghép các chương trình dự án, tại một số xã của tỉnh đầu tư còn dàn trải, Quảng Ngãi cần nêu rõ nguyên nhân vì sao và định hướng khắc phục. Khi lập kế hoạch đầu tư các chương trình, dự án, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh nên xem xét tính khả thi và hiệu quả của các chương trình.
Cùng ngày, Đoàn đã làm việc tại UBND huyện Bình Sơn; khảo sát Trung tâm y tế xã Bình Chánh, Bưu điện văn hóa xã Bình Chánh...