Đoàn giám sát của UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường làm việc tại Bắc Giang

18/07/2012

Ngày 17.7, Đoàn Giám sát của UBTVQH đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phát hiện 68 mỏ và điểm mỏ khoáng sản với nhiều loại như: sắt, đồng, vàng, barit, chì, kẽm...; trong đó, có nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: than khoảng 113,5 triệu tấn; sét gạch ngói khoảng 365 triệu m3. Có 38 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có 23 doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (chiếm 60,5%), còn lại 15 doanh nghiệp khai thác các loại khoáng sản khác. Các đơn vị này ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật như: có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, ký quỹ môi trường còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định trong khai thác khoáng sản, đường giao thông bị phá hỏng, nguồn nước bị ô nhiễm, gây bức xúc trong nhân dân. Trước thực trạng này, để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, Bắc Giang đã ban hành 3 Nghị quyết, 14 Quyết định, 4 Chỉ thị. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, mở các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên khoáng sản... Tuy nhiên, do Bắc Giang là tỉnh miền núi, các mỏ, điểm mỏ khoáng sản phân tán, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, không thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng kém, kinh phí ngân sách hạn hẹp nên công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản gặp khó khăn. Để làm tốt hơn nữa việc quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Bắc Giang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong khai thác khoáng sản, đặc biệt phải nâng mức xử phạt vi phạm cao hơn nữa mới đủ sức răn đe; hướng dẫn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nghiệm thu, xác định khối lượng khai thác tại các mỏ; khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ giúp địa phương tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Đoàn giám sát ghi nhận các kiến nghị và đánh giá cao những kết quả mà Bắc Giang đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường thời gian qua. Mặc dù là tỉnh miền núi, lượng khoáng sản không lớn, phân bố rải rác, đặc biệt nguồn nhân lực, ngân sách còn ít và eo hẹp nhưng Bắc Giang đã bước đầu thành công trong công tác quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đáng chú ý là tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về lĩnh vực này và kiên quyết không cấp phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị có năng lực yếu kém... Đoàn giám sát đề nghị Bắc Giang tiếp tục bám sát thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Bên cạnh đó cần ưu tiên các đơn vị đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, chế biến sâu gắn với bảo vệ môi trường….

+ Trước đó, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường tại công ty CP Tập đoàn khoáng sản Á Cường, xã Cẩm Đàn; công ty TNHH MTV 45, thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động. 

Chí Tuấn

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác