Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc tại Đồng Tháp

12/04/2013

Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ngày 11 - 12.4, Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Đồng Tháp.

Những năm qua, công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới các cấp học phổ thông ở Đồng Tháp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Tính đến nay, toàn tỉnh có 506 trường, trong đó 321 trường tiểu học, 129 trường THCS, 13 trường Tiểu học - THCS, 40 trường THPT, 3 trường THCS - THPT. Số trường đạt chuẩn quốc gia cấp tiểu học có 48 trường, cấp THCS 22 trường, cấp THPT 7 trường. Các loại hình trường phổ thông chủ yếu là trường công lập. Chất lượng giáo dục phổ thông những năm gần đây đã có tiến bộ nhưng tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi, khá ở các cấp ít. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi thấp. Số học sinh lưu ban, bỏ học vẫn còn cao. Hiệu quả giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ, cơ sở vật chất còn chênh lệch giữa các địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

Về đội ngũ giáo viên, Đồng Tháp đang có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Tính đến năm học 2011 - 2012, tỉnh thừa 477 giáo viên THCS và 125 giáo viên THPT, thiếu 71 giáo viên Tiểu học. Nguyên nhân tình trạng này được xác định do tỷ lệ dân số tăng tự nhiên, tình trạng học sinh trong độ tuổi lao động bỏ học, nguồn đào tạo không cân đối với nhu cầu xã hội…

Để nâng cao chất lượng giáo dục đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Đồng Tháp, tỉnh kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có chính sách ưu tiên cho khu vực này. Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cần bám sát mục tiêu giáo dục. Việc biên soạn sách giáo khoa phải mang tính chiến lược, gọn nhẹ nhưng bảo đảm nội dung kiến thức theo chuẩn kiến thức kỹ năng và sử dụng lâu dài. Bổ sung, thay thế đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên có đủ năng lực thật sự. Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy năng khiếu học sinh, đổi mới thi cử một cách gọn nhẹ, hiện đại và nội dung thi theo hướng vận dụng thực tiễn. Cần tạo cơ chế mở để các cơ sở giáo dục chủ động thực thi nhiệm vụ; đồng thời thống nhất bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông một cách thiết thực không chạy theo thành tích.

Đoàn giám sát đề nghị Đồng Tháp nghiên cứu, bổ sung ý kiến, kiến nghị, hoàn thiện báo cáo. Bên cạnh đó, tỉnh cần đầu tư quy hoạch đội ngũ giáo viên phù hợp với tình hình thực tiễn, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay; có cơ chế tuyển dụng giáo viên được đào tạo tại các trường sư phạm. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh cũng cần xây dựng chính sách thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục…

Ng. Anh

(http://www.daibieunhandan.vn/)