Đoàn giám sát của UBTVQH về hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm việc tại Bình Dương

23/04/2015

Ngày 21.4, tiếp tục đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 882/NQ-UBTVQH13 của UBTVQH về hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc tại Bình Dương.

Thời gian qua, hoạt động của HĐND tỉnh Bình Dương ngày càng chất lượng, được cử tri đánh giá cao: công tác tổ chức kỳ họp có những đổi mới theo hướng dân chủ, hiệu lực, hiệu quả; các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành chất lượng ngày càng được nâng lên; hoạt động giám sát được cải tiến cả về nội dung và phương thức; công tác TXCT tiếp tục được tăng cường; việc giải quyết đơn thư KNTC được quan tâm thực hiện nghiêm túc… Bên cạnh những kết quả đạt được, HĐND tỉnh Bình Dương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như: hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp vẫn chưa thực sự đổi mới, số đại biểu tham gia chất vấn chưa nhiều; trong giám sát đôi khi còn ngại va chạm dẫn đến chưa phản ánh đúng thực trạng và các hạn chế; một số đề xuất, kiến nghị chưa được giải quyết kịp thời; các cuộc TXCT theo chuyên đề còn ít… HĐND tỉnh Bình Dương kiến nghị việc phân biệt rõ ràng hơn thẩm quyền hướng dẫn của UBTVQH, Chính phủ đối với việc thực hiện văn bản cơ quan cấp trên và công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu; nâng chức danh Ủy viên Thường trực thành chức danh Phó chủ tịch HĐND; xác định rõ cơ cấu, số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND từng cấp trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thuận lợi trong quá trình quy hoạch, tổ chức bộ máy…

Trao đổi về việc để HĐND có đủ thực quyền trong hoạt động, đa số các ý kiến cho rằng, cần có bộ máy đủ mạnh, cơ cấu đại biểu phù hợp. Trong đó, Trưởng các ban nên bố trí là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy cùng cấp và 2 Phó trưởãng ban hoạt động chuyên trách; việc quy định cơ cấu đại biểu tại các tỉnh, thành nên để địa phương quyết định cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Có ý kiến đề nghị, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, cần có các chế tài cụ thể xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết, hoặc chậm giải quyết các kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND…

 Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc tại HĐND thị xã Dĩ An. Để phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan dân cử địa phương, HĐND thị xã kiến nghị tăng đại biểu hoạt động chuyên trách ở HĐND cấp huyện, thị để có điều kiện tập trung cho hoạt động của cơ quan dân cử; đồng thời, hạn chế đại biểu hoạt động kiêm nghiệm, nhất là đại biểu ở các cơ quan hành chính để bảo đảm tính khách quan trong hoạt động của HĐND; có biên chế cán bộ giúp việc cho HĐND cấp phường; quy định cụ thể hình thức, chế độ khen thưởng đối với HĐND và đại biểu HĐND…

KHÁNH DUY

(http://daibieunhandan.vn)