Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tại Cà Mau

23/03/2017

Sáng 23/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc tại Cà Mau về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đoàn Giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, thời gian qua, Cà Mau đã đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tập trung vào các khu cửa biển, xây dựng hạ tầng gắn với phát triển các dịch vụ hậu cần nghề biển; hỗ trợ ngư dân tiếp cận vốn, yên tâm vươn khơi bám biển. Toàn tỉnh có hơn 4.500 tàu cá, trong đó có 1.960 tàu khai thác xa bờ, sản lượng bình quân đạt 176.000 tấn/năm. Cà Mau đã và đang đầu tư 2 cảng cá; 4 khu neo đậu, tránh trú bão; 1 bến tàu tại đảo Hòn Khoai. Hiện tỉnh có 28 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản với tổng công suất khoảng 205.000 tấn/năm, mặt hàng xuất khẩu ra các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc…Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản cũng được triển khai kịp thời, đồng bộ. Đặc biệt, việc đẩy mạnh xây dựng khu kinh tế quốc phòng trên biển đảo quanh khu vực cụm đảo Hòn Khoai cũng được tỉnh Cà Mau tích cực triển khai với các khu vực phòng thủ, thực hiện phòng thủ dân sự đối với các địa phương ven biển. Đồng thời, thành lập các lực lượng trên biển để bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, hạ tầng nghề biển của Cà Mau vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển. Chất lượng khai thác và quy hoạch khai thác chưa tốt. Vấn đề thuỷ lợi và tình hình biến đổi khí hậu đang đặt ra rất nhiều khó khăn cho tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải bày tỏ mong muốn Quốc hội và Trung ương quan tâm đầu tư thêm nhiều dự án, đặc biệt liên quan đến việc khắc phục và hạn chế các hiện tượng biến đổi khí hậu ở vùng cửa biển và ven biển của tỉnh. 

Đoàn giám sát đến thăm doanh nghiệp khai thác thủy sản tại Cà Mau

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ biểu dương những kết quả Cà Mau đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nói riêng; cho rằng, trong thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương là khá toàn diện, thể hiện trên tất cả các mặt. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, qua khảo sát thực tế và trao đổi, thì rõ ràng với Cà Mau trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh còn nhiều bất cập, tồn tại hạn chế. Đó là việc tuyên truyền và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh có nơi chưa được duy trì thường xuyên, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác quy hoạch ngành ở địa phương với quy hoạch ngành của Trung ương còn một số điểm chưa đồng bộ khi triển khai thực hiện đã dẫn đến tình trạng đầu tư thiếu trọng điểm, mang tính dàn trải, trùng lặp. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất có lúc, có nơi diễn ra ồ ạt, tự phát, làm suy giảm môi trường sinh thái, tăng độ rũi ro trong sản xuất…

Đánh giá Cà Mau là một tỉnh giàu tiềm năng kinh tế biển, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị tỉnh cần phải tận dụng các điều kiện để phát triển thế mạnh này; cần theo dõi và nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của ngư dân, người nuôi trồng thuỷ hải sản để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, trong thời gian tới, Cà Mau cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế biển; lưu ý về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh; nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương về  tầm quan trọng to lớn của kinh tế biển, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; nhanh chóng tổ chức lại sản xuất trên biển đảo, vươn khơi khai thác xa bờ, hạn chế các phương pháp đánh bắt tận diệt. 

+ Trước đó, chiều 22/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và đoàn công tác đã đến thăm, khảo sát thực tế về hạ tầng, đầu tư, tình hình sản xuất… tại Cảng cá Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và mô hình nuôi tôm thâm canh đạt hiệu quả cao tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khảo sát mô hình nuôi tôm tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau

Khảo sát thực tế mô hình nuôi tôm thâm canh tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ rất phấn khởi khi bà con đã lựa chọn được mô hình sản xuất phù hợp, nhiều triển vọng. Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ, gợi ý cho người dân địa phương về việc phát triển con giống, khoa học kỹ thuật, các chế phẩm dành cho nuôi tôm. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khảo sát thực tế tại Cảng cá Sông Đốc, Cà Mau

Đến tham quan mô hình khai thác gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá của doanh nghiệp tư nhân Quang Bình, một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn ở miền biển Sông Đốc, Cà Mau. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư lớn, dám nghĩ, dám làm để làm giàu từ lợi thế kinh tế địa phương. Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Ngư dân bám biển cũng là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Ngư dân Sông Đốc cũng phải thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, ý thức sâu sắc luật pháp của nước ta và quốc tế trong việc đánh bắt”.

Ghi nhận những nỗ lực của đơn vị điều hành cảng cá Sông Đốc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị điều hành, kinh doanh ở Sông Đốc cần thực hiện nghiêm chính sách pháp luật trong khai thác, nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không được xâm phạm vùng biển nước ngoài; doanh nghiệp khai thác, chế biến thủy sản cần thể hiện nhiều hơn nữa trách nhiệm với chính quyền địa phương trong công tác an sinh xã hội, quốc phòng, đặc biệt trong việc phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ngư dân khi thiên tai, mưa bão xảy ra.

Thu Phương tổng hợp

Các bài viết khác