Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với TP. Hải Phòng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, khai thác công trình giao thông BOT

31/03/2017

Ngày 31/3, tại TP. Hải Phòng, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh dẫn đầu đã làm việc với UBND TP. Hải Phòng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng– kinh doanh– chuyển giao (BOT).

Theo báo cáo, trên địa bàn TP. Hải Phòng hiện có 4 dự án thực hiện theo hình thức BOT. Hai dự án do Trung ương đầu tư gồm: Dự án cao tốc Hà Nội– Hải Phòng; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ Quán Toan đến Cầu Nghìn dài 30,5km, tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng do Công ty CP Tasco làm chủ đầu tư . Hai dự án do thành phố đầu tư đang trong giai đoạn triển khai về mặt thủ tục, chưa tiến hành xây dựng, gồm: Dự án xây tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9km trên địa bàn Thái Bình; Dự án đường nối giữa Quốc lộ 10 với Quốc lộ 5.

Theo đánh giá của UBND thành phố, đường cao tốc Hà Nội– Hải Phòng vận hành đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên cũng tác động đến đời sống dân sinh, nhiều hộ dân bị mất đất sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi ở phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) bị ảnh hưởng khiến gần 18 ha đất trồng lúa của 221 hộ dân không trồng cấy được và khu tái định cư thường xuyên bị úng lụt vào mùa mưa; một số địa bàn nằm gần đường cao tốc bị ô nhiễm tiếng ồn.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao sự hợp tác tích cực của UBND TP. Hải Phòng với các nhà đầu tư; đề nghị thành phố chia sẻ kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng và triển khai các dự án BOT; làm rõ hướng xử lý các tác động của đường cao tốc Hà Nội– Hải Phòng đến đời sống dân sinh. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình cho biết, thành phố luôn áp dụng nguyên tắc công khai minh bạch trong quá trình giải phóng mặt bằng và thực hiện các dự án; các chế độ, chính sách tuy là quy định chung nhưng khi áp dụng phải tính toán để bảo đảm lợi ích cho từng hộ dân. Thành phố cũng đã đầu tư 4,5 tỷ đồng để nạo vét hệ thống thủy lợi ở phường Hòa Nghĩa để bảo đảm hoạt động sản xuất của người dân. Về lâu dài, thành phố đang nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng đối với diện tích đất này. Thành phố cũng đề nghị chủ đầu tư trồng cây, xây tường tiêu âm để giải quyết vấn đề ô nhiễm tiếng ồn.

UBND TP Hải Phòng và Công ty Cổ phần Tasco kiến nghị Quốc hội hoàn thiện chính sách pháp luật về hình thức đầu tư công– tư (PPP), trong đó có BOT. Thành phố cũng đề nghị Trung ương chỉ áp dụng hình thức BOT đối với các con đường không phải là độc đạo để người dân có sự lựa chọn.

Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP. Hải Phòng

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh đánh giá cao TP. Hải Phòng đã năng động, sáng tạo, vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện các dự án giao thông BOT và giải phóng mặt bằng; đề nghị nhà đầu tư phối hợp với địa phương khắc phục những ảnh hưởng đối với đời sống người dân. Khẳng định hình thức đầu tư BOT vẫn rất cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, Trưởng đoàn giám sát cho rằng, tới đây phải khắc phục được những hạn chế trong hình thức đầu tư BOT; công khai minh bạch thủ tục đầu tư và hoạt động thu phí; quy hoạch mạng lưới giao thông, xác định tuyến nào áp dụng hình thức BOT, đường nào dùng ngân sách...

+ Cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã làm việc với Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) – chủ đầu tư Dự án đường cao tốc 5B Hà Nội – Hải Phòng. Đường 5B xây dựng theo hình thức BOT, dài 105,5km, tổng mức đầu tư gần 44,4 nghìn tỷ đồng, thông xe tháng 12.2015. Mức phí hiện là 2.000 đồng/km đối với xe tiêu chuẩn, thời gian hoàn vốn 30 năm. Lưu lượng xe bình quân năm 2016 đạt từ 20 – 25 nghìn lượt xe/ngày đêm, trong đó nhóm xe con chiếm tỷ trọng lớn, xe tải ít. Lưu lượng phương tiện trên đường 5B hiện chiếm 50% tổng lưu lượng phương tiện trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng, cao hơn dự tính ban đầu (40%). Lãnh đạo Vidifi cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là Nhà nước vẫn chưa cấp kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng (khoảng 4 nghìn tỷ đồng) và chưa tái cơ cấu khoản vay 300 triệu USD. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án và tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông.  

Theo ĐBND