ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ QUY HOẠCH LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ NGÀNH Ở TRUNG ƯƠNG

01/03/2022

Theo chương trình từ ngày 01 - 04/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” sẽ làm việc với một số bộ, ngành. Trước đó, tại Phiên họp thứ 8, UBTVQH đã cho ý kiến về kết quả bước đầu triển khai chuyên đề giám sát và đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm rõ trong quá trình Đoàn giám sát làm việc cụ thể với các bộ, ngành, địa phương.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả bước đầu triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” tại Phiên họp thứ 8

Giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Trong đợt làm việc này, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ làm việc với các Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư. 

Theo đó, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đoàn giám sát sẽ tập trung về phương pháp lập quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc giam, đánh giá hạn chế, bất cập (nếu có) của hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch; Tình hình lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, các Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.  Làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Đánh giá chất lượng của các quy hoạch được lập qua quá trình thẩm định các quy hoạch thuộc chức năng nhiệm vụ. Việc phối hợp giữa các cơ qua trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch. Việc xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn giám sát sẽ tập trung về tình hình lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và việc xử lý mối quan hệ với các quy hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp; Việc ban hành Nghị định 148 và những khó khăn, vướng mắc đối với địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đai, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, mối quan hệ với các quy hoạch khác. Đánh giá hạn chế, bất cập (nếu có) của hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản.

Đối với Bộ Xây dựng, Đoàn giám sát sẽ tập trung về tình hình lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các loại quy hoạch xây dựng; Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Đánh giá hạn chế, bất cập (nếu có) của hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và cho biết Kế hoạch hoạt động của Đoàn giám sát.

Đối với Bộ Công Thương, tập trung làm rõ tình hình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch của ngành công thương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; Việc điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2011 – 2030; Tình hình lập, thẩm định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Đánh giá hạn chế, bất cập (nếu có) của hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch.

Đối với Bộ Giao thông vận tải, tập trung làm rõ tình hình lập, thẩm định, phê duyệt các của ngành giao thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân. Bài học kinh nghiệm trong quá trình lập, thẩm định phê duyệt các quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch ngành giao thông giai đoạn 2011 – 2020. Đánh giá hạn chế, bất cập (nếu có) của hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tập trung làm rõ tình hình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch của ngành nông nghiệp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; Việc xử lý mối quan hệ giữa quy hoạch thủy lợi, đê điều với các quy hoạch của ngành giao thông; Đánh giá hạn chế, bất cập (nếu có) của hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch.

Trước đó, tại phiên họp thứ 8, khi cho ý kiến về kết quả bước đầu triển khai chuyên đề giám sát,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai các hoạt động trong thời gian vừa qua của Đoàn giám sát; nhất trí với những nhận xét bước đầu và cơ bản thống nhất với các nhận định trong báo cáo của Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều Bộ, ngành và địa phương đã chấp hành nghiêm Kế hoạch, bám sát Đề cương giám sát và đã báo cáo tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, còn một số Bộ, ngành, địa phương báo cáo chậm, chưa đầy đủ nội dung theo yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với dự kiến kế hoạch triển khai của Đoàn giám sát trong thời gian tới. Đồng thời, yêu cầu nghiên cứu kỹ kế hoạch, nội dung làm việc với Bộ, ngành, địa phương, nhất là hình thức khảo sát, làm việc với các địa phương. Đồng thời, đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chủ tịch Quốc hội về kết quả bước đầu, trong đó cần làm rõ một số vấn đề sau trong quá trình thực hiện giám sát:

Một là, xác định đầy đủ danh mục những văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch, trong đó làm rõ thời hạn, tiến độ ban hành, chất lượng của các văn bản đã ban hành; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm chất lượng và tiến độ ban hành các văn bản.

Hai là, làm rõ: danh mục các quy hoạch phải lập theo Luật Quy hoạch, thời hạn hoàn thành từng loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ và và tiến độ thực hiện cho đến nay; (2) nguyên nhân, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc lập quy hoạch và đánh giá về chất lượng của các quy hoạch.

Ba là, đánh giá việc chấp hành trình tự trong hoạt động quy hoạch theo quy định tại Điều 7 của Luật Quy hoạch.

Bốn là, đánh giá về công tác lập quy hoạch, trong đó lưu ý đến các vấn đề: (1) cơ sở dữ liệu để lập quy hoạch và sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu trong hệ thống quy hoạch quốc gia; (2) quản lý, tổ chức huy động các nguồn lực từ tài chính, nguồn lực khác để làm quy hoạch (nhân lực, tư vấn…); (3) phương pháp lập quy hoạch, tích hợp quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; (4) đánh giá tổng hợp chung về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch đến nay, trong đó làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, những khó khăn, vướng mắc, đánh giá nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân nào do quy định của Luật Quy hoạch chưa phù hợp (nếu có) hoặc của các văn bản dưới luật, nguyên nhân nào do tổ chức thực hiện, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; (5) tình trạng kế thừa, thực hiện công khai và điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 và quy hoạch thời kỳ mới.

Năm là, về kế hoạch triển khai tiếp theo, đề nghị Đoàn giám sát làm việc với các Bộ trước và chuẩn bị đề cương cụ thể những vấn đề cần thiết cần trao đổi, làm rõ. Đối với tổ chức Đoàn công tác làm việc với địa phương, trong đó cần xem xét việc tiến hành để làm việc không quá 5 địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 03 địa phương đại diện cho 03 vùng) nhằm thu thập dữ liệu giải đáp các vấn đề chưa rõ; giao Trưởng Đoàn giám sát quyết định cách thức làm việc với từng địa phương bảo đảm chất lượng của các cuộc giám sát.

Sáu là, đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục rà soát, khẩn trương có văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo bảo đảm nội dung và tiến độ theo đúng yêu cầu của Đoàn giám sát, nếu cần thiết sẽ thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông việc các Bộ, ngành, địa phương chậm trễ gửi báo cáo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, trên cơ sở kinh nghiệm, cách làm của Đoàn này, đề nghị 3 đoàn giám sát còn lại của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương chuẩn bị tốt nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3/2022 và triển khai các hoạt động giám sát đúng tiến độ./.

Bảo Yến

Các bài viết khác