Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 đến năm 2020, sẽ hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km (không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác). Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh đảm bảo tiến độ nối thông toàn tuyến theo đúng Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để thực hiện nối thông 2 làn xe như Nghị quyết số 66/2013/QH13; trong giai đoạn 2021-2025 ưu tiên đầu tư trước 02 dự án Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận; cho phép cập nhật điểm khống chế chủ yếu theo quy hoạch mạng lưới đường bộ được duyệt; chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng – Chợ Bến sang hình thức đầu tư công. Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ triển khai cụ thể các dự án trong giai đoạn sau năm 2020 tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi trình bày báo cáo thẩm tra
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, theo Nghị quyết 66/2013/QH13, thời hạn hoàn thành nối thông toàn tuyến đã được lùi từ năm 2010 đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay các dự án thành phần mới được triển khai, thi công, hoàn thành khoảng 2362 km/2744 km toàn tuyến, đạt 86,1%. Như vậy, dự án chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo đúng Nghị quyết 66/2013/QH13.
Về tình hình triển khai Nghị quyết 66/2013/QH13, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự án đường Hồ Chí Minh đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, quy hoạch hệ thống đường ngang đối với đường Hồ Chí Minh, quy hoạch các trạm dừng, nghỉ dọc bến chính. Đến nay, dự án đã được tích hợp vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, cần rà soát tổng thể, toàn diện để điều chỉnh, bổ sung và xem xét tích hợp vào các quy hoạch vùng, các quy hoạch có liên quan.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, di dân, cá biệt vẫn còn một số địa phương bàn giao mặt bằng chậm, không liên tục, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Vấn đề này cần có đánh giá chi tiết, cụ thể.
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong giai đoạn khai thác, các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh đã được nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng, khai thác, vận hành, quản lý, duy tu, bảo dưỡng theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm và xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ của đường Hồ Chí Minh. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân.
Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Tuyến đường Hồ Chí Minh trải dài từ bắc vào nam, chịu tác động trực tiếp và liên tục của hiện tượng biến đổi khí hậu, vì vậy, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cần được đưa vào ngay trong giai đoạn đầu chuẩn bị triển khai dự án. Qua khảo sát thực tế, vẫn có những đoạn tuyến chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu chưa được cập nhật kịp thời các kịch bản biến đổi khí hậu liên quan, chưa tính toán kỹ lưỡng những vấn đề về môi trường, đa dạng sinh học. Việc đưa vào vận hành, khai thác đường Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò, bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, cần đánh giá rõ hơn tác động về phát triển kinh tế, xã hội.
Về nội dung hoàn thành dứt điểm công tác nghiệm thu và thanh quyết toán các dự án thành phần đã hoàn thành, các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh hoàn thành đã được nghiệm thu và thanh quyết toán bảo đảm theo quy định. Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2015 đã cơ bản hoàn thành công tác quyết toán giai đoạn 1, đến hết năm 2020 đã trình phê duyệt quyết toán các dự án giai đoạn 2, đã cơ bản được phê duyệt, chỉ còn lại một số dự án mới hoàn thành sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định.
Về việc xây dựng các tuyến đường ngang, đường gom phục vụ dân sinh, hệ thống đường ngang, đường gom vẫn còn thiếu, dẫn đến việc nhiều đường ngang dân sinh đang đấu nối trực tiếp vào đường Hồ Chí Minh, không bảo đảm khoảng cách an toàn giao thông theo quy định. Khả năng kết nối đường Hồ Chí Minh với hệ thống giao thông ở một số đoạn, tuyến còn hạn chế, đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần cập nhật số liệu của các địa phương, có báo cáo cụ thể về tình hình xây dựng hệ thống đường ngang đối với đường Hồ Chí Minh cho đến nay.
Từ những phân tích trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, đối với kế hoạch triển khai đường Hồ Chí Minh giai đoạn sau năm 2020, 2021, để hoàn thành thông tuyến theo Nghị quyết 66/2013/QH13, vấn đề lớn nhất là Chính phủ cần sắp xếp đủ nguồn lực để quyết tâm hoàn thành việc thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, các giải pháp và cơ chế chính sách trong báo cáo còn rất chung chung, thiếu cụ thể. Để thực hiện dự án trong giai đoạn sau 2020, cần làm rõ các giải pháp ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đánh giá cụ thể tác động của quá trình triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn trước năm 2021 đối với các vấn đề bảo tồn di sản, di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia./.