CẦN THỰC HIỆN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ DÂN TỘC TRONG QUY TRÌNH LẬP PHÁP

22/03/2022

Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng cần thực hiện hiệu quả hoạt động lồng ghép vấn đề dân tộc trong quy trình lập pháp, ngay từ giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

 

Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, trong quá trình tham mưu, trình ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, Bộ đã chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng, đưa các nội dung liên quan đến công tác dân tộc, đặc biệt là chính sách về môi trường, sinh thái vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí nguồn lực và phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, đề án về lao động, người có công và xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cương tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công trong vùng đồng bào dân tộc.

Trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường không được giao xây dựng văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Cùng với đó, Bộ cũng không được giao xây dựng chương trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, đối với các văn bản ban hành theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trình ban hành văn bản có nội dung liên quan đến công tác dân tộc về lĩnh vực môi trường và lĩnh vực tài nguyên nước.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó, khoản 2 Điều 65 dự thảo Nghị định đã quy định về nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Đồng thời thực hiện chính sách chú trọng công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định 167/2018/NĐ-CP.

Bên cạnh việc tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có các nội dung quy định liên quan đến công tác dân tộc, trong giai đoạn 2016-2021, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ đã xây dựng và triển khai Đề án Phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phạm vi cả nước, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và nông thôn giai đoạn 2016-2020; triển khai Dự án “Thí điểm lồng ghép theo dõi và đánh giá trong tổ chức thực hiện và hoàn thiện chính sách về tiếp cận đất đai của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Việc triển khai dự án đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nâng cao nhận thức về các quyền và nghĩa vụ của bản thân trong việc quản lý sử dụng đất.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang thực hiện một số đề án, dự án có liên quan đến việc tìm kiếm nguồn nước, tạo nguồn nước sinh hoạt cho vùng cao, vùng khan hiếm nước và các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đến nay, Bộ đã triển khai thực hiện tại 103 vùng với 238 giếng khoan đủ điều kiện về trữ lượng, chất lượng và kết cấu công trình đảm bảo khai thác bền vững lâu dài phục vụ nhu cầu cấp nước cho người dân vùng cao, vùng khan hiếm nước.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ người dân các vùng dân tộc thiểu số trong việc xây dựng công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường. Tổ chức nâng cao nhận thức môi trường cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các biện pháp phổ biến kiến thức pháp luật, tuyên truyền. Thực hiện xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, tổ chức quần chúng tham gia các phong trào Xanh – Sạch – Đẹp, VAC, VACR, cùng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, gia đình văn hoá mới,…

Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch của Bộ triển khai thực hiện Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các quy định khác có liên quan đến chính sách dân tộc, lồng ghép các chương trình, dự án của đơn vị phù hợp với các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch của Bộ nhằm đạt được hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn như: mức bồi thường thấp nên biện pháp thu hồi đất của một số đối tượng để giao lại cho đồng bào không thực hiện được; giải quyết vấn đề di cư tự do còn lúng túng và thiếu bền vững; vẫn còn nhiều hộ đồng bào thiếu đất ở, đất sản xuất; việc thực hiện chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số gặp khó khăn về quỹ đất.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét chỉ đạo nghiên cứu đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hoá chủ đường lối, chủ tưởng của Đảng, các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Đồng thời chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động lồng ghép vấn đề dân tộc trong quy trình lập pháp, ngay từ giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh./.,

Minh Thành

Các bài viết khác