TĂNG CƯỜNG THANH TRA, KIỂM TRA CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

21/04/2022

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác thi hành án hành chính, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi hành án hành chính tại các địa phương, đặc biệt tại các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành còn tồn đọng.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo thực trạng tình hình chấp hành pháp luật trong việc thi hành án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Tư pháp, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 19 quyết định buộc thi hành án hành chính chưa thi hành xong. Các bản án chưa được thi hành do gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: chưa nhất trí với bản án, đang đề nghị giải thích đồng thời báo cáo xin ý kiến cấp trên; chờ văn bản hướng dẫn, trả lời của các sở, ban, ngành co s liên quan đến kinh phí bồi thường, hỗ trợ các hộ dân.

Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành án hành chính, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng nêu rõ, số lượng bản án, quyết định của Toà án chuyển sang cơ quan Thi hành án trong giai đoạn 2019-2021 không nhiều. Ngay sau khi tiếp nhận các bản án, quyết định của Toà án chuyển sang, cơ quan Thi hành án đã chủ động triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật. Do đó, kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án hành chính nên không có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính.

Theo đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong quá trình chấp hành pháp luật liên quan đến thi hành các bản án, quyết định hành chính vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật và phát sinh từ thực tiễn. Theo đó, tại Điều 3 Nghị định 71/2016/NĐ-CP về giải thích từ ngữ nêu rõ “một trong những hành vi vi phạm là chậm thi hành án hoặc không chấp hành bản án, nhưng hành vi đó phải là cố ý thì mới được xem là vi phạm”. Thực tế cho thấy, việc xác định hành vi chậm hoặc không thi hành có phải do cố ý hay không rất khó xác định, không có tiêu chí để nhận diện.

Điều 35 Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án hành chính có quy định xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án nếu vi phạm. Theo quy định, các hành vi vi phạm là chậm thi hành án, cản trở thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Toà án. Quy định trên cho thấy, một trong những hành vi vi phạm của người phải thi hành án bị đề nghị xử lý là hành vi “không chấp hành” bản án, quyết định của Toà án. Tuy nhiên, Nghị định 71/2016/NĐ-CP không quyđịnh thời hạn cuối cùng phải thi hành xong bản án hành chính. Nếu người phải thi hành cho rằng họ đang thi hành nhưng không rõ thời gian thi hành xong, do đó trong một thời điểm cụ thể khó nhận diện được hành vi có vi phạm hay không và vi phạm ở  mức độ nào đưa ra kiến nghị xử lý tương ứng với hành vi vi phạm.

Dẫn chứng việc uỷ quyền trong thi hành án hành chính quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ ra rằng, quy định về thi hành án hành chính không quy định cụ thể về đối tượng được uỷ quyền. Trên thực tế, khi cơ quan phải thi hành án không chủ động thi hành nội dung bản án thì cơ quan thi hành án quyết định buộc thi hành án hành chính, Chấp hành viên được phân công tiến hành làm việc với người phải thi hành án là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân. Tuy nhiên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân uỷ quyền cho lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thay mặt làm việc với Chấp hành viên, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng việc uỷ quyền như vậy là chưa hợp lý, làm hạn chế hiệu quả thi hành án hành chính.

Đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc

Đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chấp hành pháp luật liên quan đến thi hành các bản án, quyết định hành chính phát sinh từ thực tiễn, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, việc thi hành án hành chính chủ yếu liên quan đến đất đai – lĩnh vực vốn phức tạp và nhiều bất cập về pháp lý; việc khắc phục hậu quả từ các quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai trước đây, đặc biệt là liên quan đến giao đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực này thường qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, hiện trạng việc quản lý sử dụng đất đã thay đổi qua nhiều chủ sử dụng khiến cho viêc trả lại đất, ban hành các phương án hỗ trợ, tái định cư,… khó thi hành do ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều cá nhân khác. Việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cũng tốn nhiều thời gian như khảo sát, thẩm định giá, lập phương án bồi thường,…Một số bản án, quyết định của Toà án khi tuyên án chưa rõ ràng và khó thi hành trên thực tế phải đề nghị giải thích, sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, một số bản án, quyết định về vụ án hành chính của Toà án cố nội dung tuyên chưa cụ thể, rõ ràng. Việc chuyển giao bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính đến cơ quan bị kiến còn chậm, muộn. Trong khi đó, bản án và quyết định của Toà án là cơ sở quan trọng, phát sinh trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính và tổ chức thi hành các khoản án phí.

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện pháp luật liên quan đến công tác thi hành án hành chính, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương đối với việc chấp hành pháp luật trong việc giải quyết, thi hành án hành chính. Bởi, công tác giải quyết và thi hành các vụ án hành chính là việc phức tạp giữa cơ quan hành chính Nhà nước và người dân, do đó cần có sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị để chỉ đạo, giám sát đảm bảo việc tổ chức thi hành các vụ án được khách quan, công bằng. Đồng thời cần bảo đảm công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành tất cả các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi hành án hành chính tại các địa phương, đặc biệt tại các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành còn tồn đọng.

Cùng với đó, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Toà án có thẩm quyền xét xử khi giải quyết vụ án hành chính cần tuyên án cụ thể, rõ ràng, đúng pháp luât. Các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành án hành chính áp dụng đúng trình tự, thủ tục thi hành án do pháp luật quy định, hạn chế tối đa sai sót, vi phạm trong quá trình thi hành án hành chính./.

Minh Thành