TỔ CÔNG TÁC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH CAO BẰNG VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

17/06/2023

Chiều 16/6, Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội do đồng chí Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ công tác làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

TỔ CÔNG TÁC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI HUYỆN THẠCH AN, TỈNH CAO BẰNG

Làm việc với đoàn có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; Huyện ủy, UBND huyện Thạch An, Hà Quảng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của 3 CTMTQG được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh hơn 6.624 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh được Trung ương giao 2.448 tỷ đồng tiếp tục thực hiện các CTMTQG, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 2.395 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 52,640 tỷ đồng.

Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh được giao 395,360 tỷ đồng, đến ngày 31/5/2023, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư 85,921 tỷ đồng, giải ngân vốn sự nghiệp 5,649 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo được giao 13,711 tỷ đồng, trong đó, giải ngân 13,609 tỷ đồng, đạt 99,2%. Từ nguồn vốn đầu tư, tỉnh thực hiện 37 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho Trường Trung cấp Nghề tỉnh…

Tỉnh kiến nghị: Các bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh, sửa đổi tăng mức hỗ trợ nội dung giao khoán bảo vệ rừng trong CTMTQG; nghiên cứu bổ sung các văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn vốn hỗ trợ tỉnh thực hiện dứt điểm việc thí điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới; có chính sách hỗ trợ cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn sau khi đạt chuẩn nông thôn mới về thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí. Đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trung ương có văn bản hướng dẫn, bổ sung nội dung hỗ trợ nhà ở, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình các cấp…

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp của Tổ công tác.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh khẳng định: Các CTMTQG rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, giảm nghèo. Mong muốn Tổ công tác sẽ kiến nghị để tháo gỡ một số điểm nghẽn liên quan đến hệ thống văn bản, có hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện cho Cao Bằng và nhiều địa phương thực hiện hoàn thành 3 CTMTQG.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân nhấn mạnh: Tỉnh cần đổi mới công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân, quan tâm công tác kiểm tra, giám sát năng lực quản lý đội ngũ cán bộ các cấp. Tập trung quyết liệt hơn nữa việc giải ngân nguồn vốn 3 CTMTQG, nhất là nguồn vốn sự nghiệp; đánh giá sơ kết nhiệm kỳ việc thực hiện 3 CTMTQG. Rà soát, ban hành các văn bản theo thẩm quyền; rà soát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, xác định tính khách quan, hiệu quả và tính bền vững của từng văn bản hướng dẫn; tổ chức tuyên truyền, tập huấn các nội dung văn bản hướng dẫn để các đơn vị, địa phương hiểu rõ, thống nhất cùng thực hiện.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân phát biểu kết luận buổi làm việc.

Địa phương triển khai chương trình cần tính toán đến tác động, hiệu quả và tính bền vững của các mô hình, sự tăng cường tham gia của người dân, đối tượng thụ hưởng. Lồng ghép nâng cao hiệu quả các nguồn vốn; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lập kế hoạch, bố trí vốn, tập trung nguồn lực quyết tâm thực hiện. Các sở, ngành có giải pháp chủ động ứng phó với tác động ảnh hưởng đến quá trình thực hiện 3 CTMTQG.

(Theo Báo điện tử Cao Bằng)

Các bài viết khác