ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI HÒA BÌNH VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

04/07/2023

Ngày 04/7, Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI BỘ TÀI CHÍNH VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình. Ảnh: H.Ngọc

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, mặc dù thời gian thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt thực hiện trong thời gian 5 năm và thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, đến các tháng cuối năm 2021 và năm 2022, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định đầu tư và ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, năm 2022 do vừa phải xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, vừa phải tiến hành lập, giao kế hoạch thực hiện trung hạn 2021 - 2025 và hàng năm. Với trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… nên tiến độ thực hiện vẫn còn chậm và khó khăn trong giải ngân.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: H.Ngọc

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nêu rõ, yêu cầu nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương với Chương trình này có tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như Hòa Bình; việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách của tỉnh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu được giao theo Quyết định số 652/QĐ - TTg ngày 28.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ “về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025” cho các địa phương thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cao hơn nhiều so với chỉ tiêu đăng ký của tỉnh so với các bộ, ngành Trung ương. Cụ thể, “tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới” tỉnh Hòa Bình đăng ký đạt 65%, trong khi Trung ương giao đạt 76,7%. Tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao, tỉnh đăng ký đạt 20%, Trung ương giao đạt 37,4%...

Trình bày Báo cáo của Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành các văn bản theo thẩm quyền, nhất là các Nghị quyết của HĐND và các quyết định của UBND được ban hành theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19.4.2022 của Chính phủ, quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, một số văn bản được ban hành vào cuối năm 2022 để triển khai thực hiện Chương trình, tương đối chậm so với thời gian ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ - CP. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý, 4 Nghị quyết của HĐND tỉnh và 3 Quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình ban hành sau Nghị định 27/2022/NĐ - CP từ 6 tháng đến 8 tháng. Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của tỉnh cũng ban hành chậm so với Quyết định 652/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Điều này, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Chương trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khảo sát thực tế việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Cao Sơn ,huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: H.Ngọc

Cơ bản đồng tình với Báo cáo của Tổ công tác, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo thêm về tình hình giải ngân các nguồn vốn (vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, vì hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn vẫn thấp. Nếu tỉnh không có giải pháp quyết liệt sẽ khó hoàn thành mục tiêu chương trình của năm 2023 (gồm cả vốn chương trình năm 2022 chuyển sang).

Một số thành viên Đoàn giám sát cũng chia sẻ với khó khăn của Hòa Bình khi nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn cao, song đề nghị tỉnh làm rõ đã thực hiện quy đổi giá trị đóng góp đất đai, ngày công của người dân thành nguồn vốn đối ứng của địa phương hay chưa? Hòa Bình cũng cần tiếp tục làm rõ giá trị gia tăng của các sản phẩm OCOP, từ đó đánh giá cụ thể hơn hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao Hòa Bình đã nỗ lực triển khai tốt các tiểu dự án, dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiều mô hình sản xuất mới đã được hình thành, điển hình như huyện Đà Bắc đã có mô hình nuôi dê đang phát huy hiệu quả, tạo thêm niềm tin, động lực cho người dân với việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, Hòa Bình tiếp tục biến quyết tâm thành hành động chính trị, đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân, hạn chế thấp nhất việc chuyển nguồn sang năm 2024. Đồng thời, cần làm rõ hơn công tác kiểm tra, giám sát tại cộng đồng, hiệu quả hoạt động, công tác phối hợp của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh với các bộ, ngành Trung ương.

Chỉ rõ, văn bản hướng dẫn vẫn là “điểm nghẽn” và vừa qua Chính phủ đã phải ban hành Nghị định 38/2023/NĐ - CP ngày 24.6.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ - CP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục quan tâm, đánh giá rõ Nghị định 38/2023/NĐ - CP có giúp tháo gỡ vướng mắc hay chưa? Đồng thời, đánh giá tính đầy đủ, kịp thời, khả thi của văn bản hướng dẫn do Trung ương cũng như địa phương ban hành.

Tại Hòa Bình, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tình hình triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc; làm việc với UBND huyện Đà Bắc.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác