QUẢNG NAM: PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO NHƯNG CŨNG CẦN KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR)
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, công ty được giao nhiệm vụ quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công trình trọng điểm an ninh quốc gia với công suất chế biến theo thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo vào trong sản xuất, công ty đã vận hành đưa nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam phát triển, đưa đất nước Việt Nam từ một quốc gia đơn thuần chỉ xuất khẩu dầu thô trở thành quốc gia có ngành công nghiệp lọc hóa dầu trên bản đồ thế giới, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị của Ngành Dầu khí Việt Nam từ khai thác đến chế biến dầu khí. Doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ liên quan đến nguồn cung xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp các nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng
Tuy nhiên, Đại diện Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng gặp các vấn đề tồn tại, khó khăn thách thức như theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo ATIGA, BSR phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn từ nguồn hàng nhập khẩu của các Nhà máy Lọc hóa dầu có công suất lớn trong Khu vực và đã hết thời gian khấu hao trong thời gian đến. Việc áp dụng các thông lệ kinh doanh/công nghệ theo chuẩn quốc tế bị giới hạn do phải tuân thủ luật và quy định hiện hành. Chưa có cơ chế cho việc phòng vệ rủi ro thương mại. Sản lượng và chất lượng nguồn dầu thô Bạch Hổ và trong nước ngày càng suy giảm mạnh, BSR bắt buộc phải mua nhập khẩu bổ sung với nguồn cung dầu thô không ổn định và biến động mạnh về giá.
Các thành viên Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR)
Khó khăn trong việc đảm bảo nguyên liệu dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành liên tục trong mùa mưa bão, sóng lớn không thể nhập được dầu qua SPM khi bể chứa dầu thô của Nhà máy chỉ đảm bảo duy trì trong khoảng thời gian nhất định. Hiện nay, sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ mới đáp ứng được tiêu chuẩn mức Euro II & Euro III nên cần chi phí đầu tư lớn để triển khai dự án NCMR (Dự án điều chỉnh) để nâng cấp chất lượng sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lên mức Euro V. Xu hướng chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu dẫn đến nhu cầu sản phẩm nhiên liệu sẽ sớm đạt đỉnh và giảm nhanh trong dài hạn. Tỷ trọng sản phẩm hóa dầu của NMLD Dung Quất chỉ ở mức thấp khoảng trên 2.5% và cần phải có đột phá trong đầu tư công nghệ để tăng tỷ trọng các sản phẩm hóa dầu, hóa chất của BSR.
Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn Bùi Ngọc Dương cũng khẳng định, nhờ vào việc triển khai đồng loạt các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà chỉ số EII của Nhà máy đã giảm từ mức trên 118% năm 2014 xuống mức trung bình 104% - 105% như hiện nay, năm 2017 chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất là 103,5%. Từ 2015 đến nay, BSR đã triển khai thành công hơn 60 giải pháp tối ưu hóa năng lượng, tiết kiệm cho Nhà máy khoảng trên 500 tỷ đồng/năm. Đồng thời xây dựng chiến lược và kế hoạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm phát thải, trong đó tập trung vào khai thác tối đa các cơ hội tối ưu trong vận hành, đầu tư bổ sung, cải tiến các thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao, tăng cường khai thác nhập điện từ EVN và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo (mặt trời, gió) cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hiện công ty cũng đang khẩn trương triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự kiến hoàn thành Dự án vào Quý I/2028 như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn Bùi Ngọc Dương trao đổi về những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm
Cũng tại buổi làm việc, Công ty cũng kiến nghị Quốc hội có Nghị quyết riêng về cơ chế chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí năng lượng và công nghiệp phụ trợ cho khu vực Miền Trung và Khu kinh tế Dung Quất nói riêng; xem xét sửa đổi Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13), Luật đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo hướng rút ngắn các thủ tục phê duyệt đầu tư của cơ quan Nhà nước, tạo cơ chế chủ động, phân cấp mạnh cho chủ đầu tư trong hoạt động đầu tư dự án đặc thù của ngành dầu khí, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ, quan tâm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các Nghị định có liên quan đến công tác mua/bán dầu thô và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, quản lý chặt chẽ về thị trường xăng dầu, năng lượng nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho các nhà máy lọc dầu trong nước; Bộ Công Thương cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành Đề án quy hoạch Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đưa vào quy hoạnh, chiến lược phát triển Quốc gia, Ngành để làm cơ sở triển khai thực hiện. Đối với việc đầu tư giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng xanh (như H2 xanh) theo lộ trình cân bằng carbon “Net Zero” vào năm 2050 có chi phí đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế không cao, đề nghị Quốc hội và Chính phủ có chính sách hỗ trợ để các Doanh nghiệp phát triển lĩnh vực này trong dài hạn.
Toàn cảnh buổi làm việc
Sau khi khảo sát tại hiện trường, Đoàn đã làm việc nhanh với ban lãnh đạo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn. Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu các đề tài khoa học trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng đổi mới; quỹ đổi phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, việc trích lập quỹ và sử dụng quỹ hiệu quả ra sao? Liên quan đến các thách thức như biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống như bão lớn, động đất, các quy chuẩn công nghệ ngày càng khắc nghiệt và thách thức cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc đầu tư vào khoa học công nghệ, chủ động sản xuất, xây dựng đối tác, Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn sẽ giải quyết những khó khăn, thách thức như thế nào trong bối cảnh mới và áp lực cạnh tranh từ nguồn hàng nhập khẩu và nguồn cung ngày càng hạn chế. Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Công ty làm rõ chiến lược, kế hoạch cụ thể đặt ra để thích ứng với suy giảm năng lượng, bảo đảm cho sản xuất kinh tế, đặc biệt là cho kế hoạch chuyển đổi khi nguồn năng lượng suy giảm?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân trao đổi tại buổi làm việc
Đại diện doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn Bùi Ngọc Dương cho rằng, ý thức trước nhu cầu tăng trong khi nguồn cung đang thiếu hụt, Bình Sơn đã có kế hoạch về nâng cao năng lực doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và đang xây dựng chiến lược lọc dầu và đây cũng là một vấn đề được đưa vào Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp hóa dầu trong tương lai. Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn Bùi Ngọc Dương cho biết, công ty áp dụng duy trì công suất và tăng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Trong tương lai, nếu nhu cầu giảm, thị trường chịu sự cạnh tranh của các doang nghiệp khác thì sẽ chuyển đổi lọc dầu, trong khi nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam nhiều, nếu không tham gia sẽ mất quyền chi phối.
Đại diện Tập đoàn Dầu khí cũng giải trình thêm về khủng hoảng thiếu hụt xăng dầu vừa qua và khẳng định, do cách tính sai giá xăng dầu tại Nghị định 95. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam Ông Lê Xuân Huyên giải trình chuyện thiếu hụt cung cầu trong tháng 9 và 10 năm 2022 là do lỗ không nhập hoặc lỗ không bán. Đồng thời, khẳng định việc Bộ Tài chính cứ áp giá bán dầu trong nước với giá thấp hơn giá nhập khẩu khiến các doanh nghiệp chịu thiệt và 2 nhà máy lọc dầu của PVN sẽ có lúc lỗ vì cái sai của công thức 95.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu kết luận
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh, Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cần tiếp tục đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, phải đa dạng hóa nguồn cung, đầu vào, kg chỉ riêng lĩnh vực dầu khí mà các phân ngành khác cũng phải lưu ý. Ngành dầu khí cũng cần đa dạng các chủng loại, không thể dùng mỗi dầu Bạch Hổ mà có khi còn phải dầu của Mỹ… áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường. Chủ nhiệm Lê Quang Huy đặc biệt lưu ý thêm phải có hệ thống dự trữ về xăng dầu và đảm bảo dung lượng ở một mức độ nhất định để bảo đảm an ninh năng lượng, trong đó có xăng dầu./.