ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÒA BÌNH GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TẠI SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

15/03/2024

Ngày 15/3, tại Sở Giao thông vận tải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 - 2023 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Cùng tham gia đoàn có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành chức năng.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÒA BÌNH: PHÁT HUY TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, ĐÁP ỨNG NGUYỆN VỌNG CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phát biểu tại buổi giám sát. 

Trong giai đoạn 2009 - 2023, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định và giữ vững, tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được chú trọng đầu tư. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT được tăng cường. Công tác đăng kiểm phương tiện, quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được kiểm soát tốt. Việc quản lý kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đi vào trật tự. Toàn tỉnh đã xây dựng 28 mô hình nhân dân tự quản về TTATGT, vận động 66 doanh nghiệp, 10 nhà máy, 25 mỏ vật liệu xây dựng, 105 chủ kho, bến bãi, 2.058 cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe.

Từ năm 2009 - 2023, Công an tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đăng ký cho 23.265 xe ô tô, 307.117 xe mô tô, 26.473 xe máy điện; phát hiện, lập biên bản xử lý 265.704 trường hợp vi phạm TTATGT, nộp ngân sách nhà nước 225,4 tỷ đồng... Từ tháng 7/2009 đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.814 vụ TNGT, làm chết 1.304 người, bị thương 1.478 người. Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã thụ lý, giải quyết 1.814 vụ; khởi tố 418 vụ, 392 bị can; xử lý hành chính 1.396 vụ...

Công tác quản lý TTATGT trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2015 - 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNGT đường thủy nội địa, làm 3 người chết, 1 người bị thương. Công an tỉnh phát hiện lập biên bản 1.598 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước 3,3 tỷ đồng; Sở Giao thông vận tải đã phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy nội địa với 31 vụ, số tiền xử phạt 340 triệu đồng.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo TTATGT. Đồng thời đề xuất, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; sửa đổi, bổ sung trong công tác quản lý, triển khai thực hiện quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, hoạt động vận tải. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí kinh phí hoàn thành kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; nâng cấp các tuyến đường giao thông; bổ sung các chế tài xử phạt. Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung biên chế làm cơ sở cho UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện công tác quản lý đường thuỷ nội địa…

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Trưởng đoàn ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh nói chung, các cấp, ngành, địa phương nói riêng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo TTATGT từ năm 2009 - 2023 trên địa bàn. Trong đó có công tác tuyên truyền đến các đối tượng; công tác phối hợp giám sát, quản lý hạn chế tối đa TNGT... Đồng chí chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất và đề nghị bộ phận soạn thảo phối hợp tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội, các bộ, ngành chức năng xem xét giải quyết, sửa đổi cho phù hợp, đúng quy định.

(Theo Báo điện tử Hòa Bình)

Các bài viết khác