YÊU CẦU ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN GIẢI TRÌNH LÀM RÕ CÁC VẤN ĐỀ CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC, ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC, LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

26/03/2024

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng, khi tiến hành lựa chọn vấn đề yêu cầu Thành viên Chính phủ giải trình cần bám sát thực tiễn những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong đời sống, đồng thời yêu cầu đối tượng thực hiện giải trình báo cáo, làm rõ những vấn đề đã thực hiện được, chưa thực hiện được và đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện đối với những vấn đề được yêu cầu giải trình.

KẾT LUẬN CỦA PHIÊN GIẢI TRÌNH CẦN ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN, TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT 969 VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH

Hoạt động giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là hoạt động được thực hiện thường niên, tuân thủ theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Việc tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là một trong những phương thức để các cơ quan của Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước.

Thông qua nội dung giải trình của các Thành viên Chính phủ, những người được yêu cầu giải trình, các vấn đề vướng mắc, có tính thời sự, nổi lên trong đời sống xã hội, vấn đề vi phạm pháp luật chậm được khắc phục, vấn đề được yêu cầu thực hiện trong Nghị quyết của Quốc hội nhưng thực tế triển khai chưa hiệu quả sẽ được các thành viên giải trình cung cấp thông tin, làm rõ, giải quyết kịp thời, giải tỏa những vấn đề nóng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng, hoạt động giải trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và ngày càng cần được chú trọng, nâng cao chất lượng, tập trung giải pháp để tháo gỡ khó khăn trên thực tiễn, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nội vụ

Thực hiện nhiệm vụ giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực nội vụ luôn được Bộ Nội vụ quan tâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay (từ Kỳ 1 đến Kỳ 6), Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực trả lời đầy đủ, đúng hạn 100% ý kiến kiến nghị đối với những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm.

Các vấn đề được cử tri cả nước, các đại biểu Quốc hội quan tâm chủ yếu liên quan đến các nội dung như: Vấn đề về sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương; vấn đề về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập; các vấn đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; về tình hình công chức, viên chức bỏ việc, thôi việc; về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và những vấn đề phát sinh sau sắp xếp; về tiền lương và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã ở thôn, tổ dân phố...

Thông qua hoạt động trả lời chất vấn trực tiếp của Bộ trưởng tại các Kỳ họp Quốc hội, hoạt động giải trình, trả lời ý kiến kiến nghị cử tri, các vấn đề thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ Nội vụ đã được cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực tiễn thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

Đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện đối với những vấn đề được yêu cầu giải trình

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đã đề xuất một số giải pháp căn cơ sau đây:

Thứ nhất, khi tiến hành lựa chọn vấn đề yêu cầu Thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước giải trình cần bám sát thực tiễn những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, mang tính thời sự, cấp bách, đồng thời yêu cầu đối tượng thực hiện giải trình báo cáo, làm rõ những vấn đề đã thực hiện được, chưa thực hiện được và đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện đối với những vấn đề được yêu cầu giải trình.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

Thứ hai, thông tin về các nội dung giải trình của người được yêu cầu giải trình cần được công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; cung cấp đầy đủ thông tin đến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban dân tộc; Ủy ban của Quốc hội.

Thứ ba, khi tham gia giải trình, trả lời chất vấn, Thành viên Chính phủ và người được giải trình cần đi thẳng vào vấn đề được các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm, tránh trả lời, giải trình dàn trải, không rõ trách nhiệm hoặc thoái thác trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Thứ tư, đối với các vấn đề yêu cầu giải trình có liên quan liên ngành, đến trách nhiệm, nhiệm vụ của các Thành viên Chính phủ, cơ quan, tổ chức khác nhau, cần làm rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp, cung cấp thông tin và cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết nhanh chóng các vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong dư luận xã hội nhằm giải quyết triệt để, có hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong hệ thống chính trị.

Thứ năm, có cơ chế theo dõi, đôn đốc và báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện theo Kết luận vấn đề được giải trình. Trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, chậm thực hiện Kết luận các vấn đề được giải trình, cần có cơ chế gắn trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về nhiệm vụ giải trình; trách nhiệm giải trình; hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đối với các vấn đề được giải trình để kịp thời thông tin đến cử tri, Nhân dân, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, thông suốt và kịp thời./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác