Hoàn cảnh ra đời & đặc điểm:
Quốc hội khoá I là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới.
Quốc hội ra đời trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh quyết liệt giành và bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Sự ra đời của Quốc hội vừa là thành quả vừa là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Quốc hội khoá I là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân.
Trong điều kiện cả nước vừa phải hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc vừa phải từng bước thực hiện cải cách dân chủ, Quốc hội khoá I đã góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, với chiến thắng Ðiện Biên Phủ lừng lẫy, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Quốc hội đã thông qua danh sách Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua hai bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó có bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên mở ra tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khoá I kéo dài từ tháng 1-1946 đến tháng 5-1960, là do trong điều kiện đấu tranh cách mạng (kháng chiến chống Pháp và đấu tranh chống Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn), đất nước bị chia cắt, nên không thể tổ chức được một cuộc bầu cử trên cả nước để bầu Quốc hội khoá mới.
Kỳ họp thứ nhất: Họp ngày 2-3-1946, tại Nhà hát lớn Thành phố - Hà Nội, với sự tham dự của ngót 300 đại biểu, Quốc hội đã:
-
Công nhận danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; Công nhận danh sách Kháng chiến Uỷ viên Hội, với Chủ tịch là ông Võ Nguyên Giáp; Công nhận danh sách Quốc gia Cố vấn đoàn, với ông Cố vấn Tối cao Vĩnh Thuỵ (tức cựu hoàng Bảo Ðại) làm Ðoàn trưởng.
-
Bầu Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng Ban.
-
Bầu Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người.
Các văn bản pháp quy đã thông qua: 2 Hiến pháp; 16 luật, gồm:
-
Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946 (Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946).
-
Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1960 (Quốc hội thông qua ngày 31-12-1959; Chủ tịch nước ký lệnh ban hành ngày 1-1-1960).
-
Dự án luật Lao động (thông qua ngày 8-11-1946).
-
Luật Cải cách ruộng đất (ban hành ngày 19-12-1953).
-
Luật Ðảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân (ban hành ngày 20-5-1957).
-
Luật Quy định quyền lập hội (ban hành ngày 20-5-1957).
-
Luật Quy định quyền tự do hội họp (ban hành ngày 20-5-1957).
-
Luật về Chế độ báo chí (ban hành ngày 20-5-1957).
-
Luật Công đoàn (ban hành ngày 5-11-1957).
-
Luật Qui định Chế độ xuất bản (thông qua ngày 14-9-1957).
-
Luật Qui định Những trường hợp phạm pháp quả tang và Những trường hợp khẩn cấp (thông qua ngày 14-9-1957).
-
Luật Cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế (thông qua ngày 14-9-1957).
-
Luật Qui định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp (thông qua ngày 14-9-1957).
-
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thông qua ngày 14-9-1957; ban hành ngày 31-5-1958).
-
Luật Quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam (ban hành ngày 31-5-1958).
-
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ban hành ngày 13-1-1960).
-
Luật hôn nhân và gia đình (ban hành ngày 13-1-1960).
-
Luật Nghĩa vụ quân sự (ban hành ngày 28-4-1960).
Số liệu cơ bản:
Ngày bầu cử: 6-1-1946
Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu: 89%
Tổng số đại biểu Quốc hội: 403
Số đại biểu được bầu: 333
Số đại biểu không qua bầu cử: 70 (gồm 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh Hội [Việt Cách] và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Ðảng [Việt Quốc], theo thoả thuận trước cuộc bầu cử đạt được ngày 24-12-1945 giữa Việt Minh [Việt Nam Ðộc lập Ðồng minh Hội] với Việt Cách và Việt Quốc). Việc này thể hiện chủ trương của Việt Minh về hoà hợp dân tộc, tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thành phần đại biểu Quốc hội: Trong 333 đại biểu được bầu có:
-
10 đại biểu nữ;
-
34 đại biểu dân tộc thiểu số;
-
87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng;
-
43% là không đảng phái.