Hội nghị còn có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, cùng các thành viên Đoàn giám sát, thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đại diện các Bộ, ngành liên quan, các Viện, trường, khối doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng đoàn thường trực Lê Bộ Lĩnh cho biết Đảng và Nhà nước ta xác định phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhằm thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đã có nhiều văn bản luật, chính sách được ban hành, trong đó có Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 và Luật công nghệ cao năm 2008. Tuy nhiên, đến nay việc đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ mới chỉ có một số kết quả đánh giá định tính mà không có nhiều những đánh giá mang tính định lượng. Do đó, một trong những nội dung giám sát của Đoàn giám sát lần này là về ban hành, triển khai và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Báo cáo tình hình phát triển công nghệ cao thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thực hiện triển khai Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao, chủ trì chương trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp và dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và phát triển nhân lực công nghệ cao, Bộ đã xây dựng các văn bản hướng dẫn đưa chương trình công nghệ cao sớm đi vào triển khai, xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng tiêu chí, lựa chọn các dự án tiềm năng cho chương trình; phối hợp với một số địa phương có tiềm lực về công nghệ cao để triển khai một số chương trình hợp tác song phương. Tính từ 2013 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tìm kiếm được nhiều dự án quan trọng, đáp ứng yêu cầu với mức kinh phí đầu tư của mỗi dự án trung bình hơn 100 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ xấp xỉ 30%, phần còn lại do các doanh nghiệp đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ xây dựng hạ tầng trong Chương trình Công nghệ cao chưa thực hiện được vì thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể; chưa triển khai được các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực công nghệ cao do định mức chi thấp không thu hút được các tổ chức tham gia đào tạo. Các lĩnh vực tham gia chương trình tiếp tục mất cân đối. Trong đó số lượng các đề xuất dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học chiếm đa số, các đề xuất dự án trong lĩnh vực vật liệu mới còn ít. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa biết đến hoặc chưa hiểu về Chương trình Công nghệ cao dẫn đến số lượng đề xuất ít hoặc không phù hợp để tham gia chương trình.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Khu công nghệ cao đã bộc lộ một số bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ảnh hưởng đến kết quả triển khai chương trình như chưa có văn bản hướng dẫn một số hoạt động đặc thù của công nghệ cao như mua bán, tìm kiếm định giá công nghệ; thuê khoán các chuyên gia quốc tế đầu ngành; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng phát triển Việt Nam; cơ chế đặc thù đối với dự án quốc phòng - an ninh... Cùng với đó, một số quy định hiện hành đã lỗi thời, hoặc chưa thực sự hợp lý, bộc lộ bất cập trong quá trình triển khai cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Trao đổi tại Hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ. Sau 8 năm thi hành luật, một số mục tiêu đặt ra khi ban hành Luật chưa thực hiện được như: thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường với doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành và phát triển các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thị trường công nghệ; đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng, làm chủ công nghệ; nâng cao tỷ trọng đóng góp của yếu tố công nghệ vào năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, sự lan tỏa công nghệ từ khu vực FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế; công tác quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ bị buông lỏng.
Theo đó, Luật chuyển giao công nghệ cần bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ trong nước, nghiên cứu kỹ quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu có sử dụng nguồn vốn nhà nước; quy định về chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu sử dụng vốn ngân sách; bổ sung quy định chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; quy định về cơ chế phối hợp trong quá trình quản lý công nghệ và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, sửa đổi quy định về phân cấp quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ, thẩm quyền ban hành danh mục công nghệ.
Tại Hội nghị, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, làm rõ những bất cập, khoảng trống về chính sách, pháp luật về công nghệ cao cung như xem xét, thảo luận các kiến nghị, giải pháp để hoạt động công nghệ cao phát triển thực chất, hiệu quả trong thời gian tới. Nhiều câu hỏi được đặt ra như tại sao nhiều mục tiêu của Luật Chuyển giao công nghệ thời gian qua không đạt được? Tại sao việc triển khai thực hiện Luật, các chương trình còn chậm, trách nhiệm thuộc về ai? Cần có các yếu tố gì để thúc đẩy phát triển thị trường chuyển giao công nghệ, dịch vụ chuyển giao công nghệ? Các kết quả hiện tại có tương xứng với chính sách, nguồn lực đầu tư cho công nghệ cao thời gian qua hay chưa? Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bùi Thị An đặt vấn đề, trước những bất cập trong thực hiện triển khai các chính sách, chương trình về phát triển công nghệ cao có cần xem lại cách tiếp cận nội dung công nghệ cao, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đã thực sự phù hợp để tập trung được nguồn lực thực hiện chưa?
Cùng ngày, Đoàn giám sát đã làm việc trực tiếp cùng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khảo sát thực tế tình hình xây dựng, hoạt động tại một số doanh nghiệp công nghệ cao tại đây.
Đoàn giám sát khảo sát thực tế hoạt động tại Công ty FPT Software và Công ty liên doanh y học Việt- Hàn (Vikomed).