ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ TÀI CHÍNH

18/03/2019

Chiều 18/3, tại Nhà Quốc hội, thực hiện kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thi từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính.

Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc còn có Phó Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cùng các thành viên Đoàn giám sát, chuyên gia, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Phó trưởng Đoàn thường trực, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian qua  Đoàn giám sát của Quốc hội đã tổ chức giám sát thực tế tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, làm việc trực tiếp với 3 Bộ liên quan trực tiếp đến nội dung giám sát, cùng với đó là làm việc với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ để có thêm thông tin. Tiếp tục chương trình giám sát, Đoàn giám sát làm việc với Bộ Tài chính.

Báo cáo trước đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, pháp luật tài chính đất đai đã bao quát quá trình hình thành, sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng bất động sản. Pháp luật tài chính về đất đai góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng đất có hiệu quả, hạn chế đầu cơ về đất đai, hạn chế sử dụng lãng phí đất đai, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Cùng với đó, cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ xác định giá đất, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, góp phần thu đầy đủ kịp thời tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của 42 địa phương, nguồn thu ngân sách nhà nước đối với đất đai đô thị tăng dần hàng năm từ 2014-2018; nhiều địa phương số thu từ đất khá cao trong cơ cấu ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà báo cáo trước Đoàn giám sát 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng thẳng thắn chỉ rõ, qua thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính, Bộ Tài chính thấy rằng cơ chế chính sách về đất đai còn một số hạn chế tác động đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó, các phương pháp xác định giá đất cụ thể chưa sát theo thị trường. Việc chuyển nhượng, giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất thấp hơn giá thị trường, làm thất thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, pháp luật về đất đai chưa có quy định cụ thể về đất sử dụng mục đích xây dựng, kinh doanh căn hộ khách sạn (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort)… tạo ra kẽ hở trong việc quản lý, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai trong đó có quy định về giá đất, quy định về đất xây dựng kinh doanh công trình condotel, officetel, resort, quy định về giải phóng mặt bằng và đấu giá quyền sử dụng đất. Rà soát cơ chế chính sách về tài chính đất đai, sử dụng quỹ đất, tài sản công để thanh toán các hợp đồng BT.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung báo cáo của Bộ Tài chính theo đó báo cáo đá bám sát đề cương, yêu cầu đặt ra, đánh giá được tình hình thực hiện và chỉ ra những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý của Bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó trưởng Đoàn giám sát Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng một số nhận định của Bộ còn mang tính định tính cần được làm rõ cần làm rõ thêm các dữ liệu, phân tích cụ thể, số liệu chứng minh cụ thể. Đề nghị Bộ Tài chính làm rõ trách nhiệm của Bộ trong vai trò hướng dẫn tổ chức thực hiện các dự án BT; việc thanh tra, kiểm tra xác định giá đất, đấu giá đất; giải pháp trong việc điều chỉnh cách xác định giá đất như thế nào để nhà nước giảm thất thu, bảo đảm tốt hơn lợi ích của người dân; vấn đề quản lý công sản. Các đại biểu đặt vấn đề, trách nhiệm của  Bộ Tài chính trong điều hành kiểm soát điều tiết giá đất thời gian qua như thế nào, Bộ đã làm hết trách nhiệm chưa và đã đề ra giải pháp gì nhằm khắc phục hạn chế. Đây là những vấn đề cần được làm rõ.

Phó Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, điều quan trọng của giám sát lần này là xem xét chủ trương, chính sách, cách làm thời gian qua ứng xử với đất đai như vậy có hợp lý không, có thu đủ hay không và đưa ra giải pháp trong thời gian tới. Vấn đề này chỉ riêng Bộ Tài chính thì không thể thực hiện mà hơn hết là Bộ cùng với Chính phủ làm cách nào bảo đảm nguồn thu, chính sách tài chính đất đai, ứng xử với đất đai sao cho thu từ đất đai nhiều hơn, kích thích phát triển hơn, thúc đẩy phát triển bền vững lâu dài và qua giám sát lần này sẽ đưa ra được định hướng, giải pháp.

Bảo Yến