HỘI THẢO VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2016-2021: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

06/03/2023

Sáng ngày 06/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.

KẾ HOẠCH, TIẾN ĐỘ ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA UBTVQH “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016-2021”

Quang cảnh hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn Giám sát; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo còn có lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; thành viên Đoàn giám sát; Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực năng lượng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 với rất nhiều công việc và hoạt động cần tiến hành, trong đó tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học để có thêm các ý kiến phân tích, đánh giá, đề xuất, kiến nghị từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý là rất cần thiết và có ý nghĩa.

Đến nay, Đoàn giám sát đã chủ trì tổ chức 2 hội thảo trao đổi kinh nghiệm của các nước trên thế giới về năng lượng và chuyển dịch năng lượng; thảo luận một số vấn đề liên quan đến tình hình ban hành chính sách, pháp luật và đề xuất phương hướng, giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

Đoàn giám sát mong muốn lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng thực thi các chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp cụ thể. Từ đó, Đoàn giám sát sẽ có thêm cơ sở để trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những đề xuất, kiến nghị thật sự “đúng” và “trúng”, vừa giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trước mắt, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn là chuyển dịch năng lượng thành công theo hướng công bằng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước ta.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn Giám sát phát biểu khai mạc hội thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát khẳng định, những ý kiến phát biểu, thảo luận, chia sẻ của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo hôm nay sẽ là nguồn thông tin, tư liệu quý giá đối với Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội trong việc tiến hành giám sát chuyên đề và trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định; mong các quý vị đại biểu tích cực chia sẻ, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cởi mở; trình bày, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề để Hội thảo có thể nghe được nhiều ý kiến phát biểu.

Tại hội thảo, thay mặt Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với tư cách là một một tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, đồng chí Phan Xuân Dũng khẳng định, thời gian qua Liên hiệp đã tham gia tư vấn, góp ý, cung cấp tư liệu cho nhiều hoạt động giám sát chuyên đề hoặc xây dựng luật, pháp lệnh của các Ủy ban của Quốc hội.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, cách đây gần 1 năm, các nhà khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam cũng hăng say tư vấn, góp ý cho Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Gần đây nhất, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” để cung cấp thêm các ý kiến dựa trên luận cứ khoa học một cách khách quan, trung thực cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng Luật Đất đai.

Với tinh thần đó, tại hội thảo này Liên hiệp các Hội KH&KT VN tiếp tục phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”. Hy vọng rằng, với những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những tư liệu quý báu để kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng Việt Nam bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các vấn đề trọng tâm như: Đánh giá về khả năng cung cấp năng lượng (than, điện, dầu khí, năng lượng tái tạo) đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân giai đoạn 2016-2021 và giai đoạn 2021-2025; Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; Chuyển dịch năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; Việc triển khai xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, sự liên kết giữa các thị trường của các phân ngành năng lượng; Khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; Các dự án chậm tiến độ; Đánh giá tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng, sự phối hợp, liên kết giữa các quy hoạch và đánh giá cụ thể đối với từng quy hoạch.

Các ý kiến cũng đánh giá tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong từng lĩnh vực, phân ngành năng lượng: than, dầu khí, điện… Làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệ của cơ quan, cá nhân có liên quan. Đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể, phù hợp, khả thi để hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật với mục tiêu giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay; đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục thông tin chi tiết về hội thảo.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác