Toàn cảnh Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.
Thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” và Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 về giám sát chuyên đề, Đoàn giám sát đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Quốc hội, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm.
Đề xuất sửa đổi một số chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trình bày tham luận với chủ đề “Một số vấn đề trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước lĩnh vực năng lượng”, TS. Nguyễn Thăng Long, Hội Khoa học công nghệ Sử dụng Năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các văn bản luật và văn bản dưới luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong đó, Luật Điện lực được ban hành cách nay gần 20 năm, ban hành lần đầu năm 2004, đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi, bổ sung không nhiều. Thực tế hiện nay đòi hỏi phải đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự hiện trạng phát triển của lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua để nghiên cứu sửa đổi, nhất là những vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được hoặc còn vướng mắc, chồng chéo, thiếu đồng bộ.
Xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/02/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản...
TS.Nguyễn Thăng Long, Hội Khoa học công nghệ Sử dụng Năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam.
TS.Nguyễn Thăng Long cũng kiến nghị sửa đổi một số văn bản dưới luật liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như: Xem xét điều chỉnh quy định mức sử dụng năng lượng đối với các chính sách sử dụng năng lượng hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng. Bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các chính sách sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay. Quy định chi tiết hơn về việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các chính sách sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông vận tải. Bổ sung các quy định về dịch vụ tư vấn năng lượng liên quan đến hoạt động kiểm toán năng lượng và hoạt động của các mô hình kinh doanh thành công trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam nêu thực trạng việc thực thi chính sách, pháp luật trong thực hiện Quy hoạch phát triển năng lượng ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch phát triển Năng lượng cũng như quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, có tình trạng quy hoạch được ban hành nhưng vài năm sau đã thay đổi, hiệu chỉnh, nhiều khi sự thay đổi chỉ là ý kiến chủ quan, không hoàn toàn dựa trên các phân tích theo nội dung của công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, quan hệ liên ngành giữa các quy hoạch phát triển ngành còn chưa thể hiện rõ, chưa có sự ràng buộc lẫn nhau, chưa thể hiện rõ quy hoạch phát triển của ngành này chịu ảnh hưởng hoặc chịu tác động của ngành kia và ngược lại.
Đối với quy hoạch Điện VIII, PGS.TS Trương Duy Nghĩa nhận xét, quy hoạch có thời hạn 10 năm là ngắn, vì thời gian triển khai nhiều công trình có thể rất dài. Có rất nhiều công trình, kể từ khi được “điểm danh” trong quy hoạch đến khi đưa công trình vào sản xuất tới trên 10 năm. Ví dụ như quy hoạch Nhà máy điện Vân phong 1 đã nêu trong Quy hoạch từ 15 năm, gần đây mới chuẩn bị đưa vào vận hành; hay như quy hoạch Nhà máy điện Quảng Trạch đã khởi công từ 10 năm trước, nhưng hiện nay còn đang ngổn ngang… Vì vậy, trong quy hoạch cần khẳng định thời điểm khởi công và thời điểm hoàn thành công trình đưa vào sản xuất.
Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả năng lượng tái tạo.
TSKH. Mai Duy Thiện, Chủ Tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đã nêu tiềm năng phát triển năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) và chủ trương, chính sách của Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. TSKH. Mai Duy Thiện đã dẫn chứng con số: tổng tiềm năng điện gió trên bờ và gần bờ khá lớn 221.000 MW; Tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi khoảng 165.000 MW; Tổng tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời rất lớn lên tới 914.000 MW; Tiềm năng thủy điện: tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện vừa và lớn tại Việt Nam khoảng 75-80 tỷ kWh…
Trong những năm vừa qua, đặc biệt là 4-5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc, tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam. Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Chủ trương phát triển năng lượng tái tạo cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn…, TSKH. Mai Duy Thiện nêu quan điểm.
TSKH. Mai Duy Thiện, Chủ Tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam góp ý tại Hội thảo.
Để hiện thực hóa chủ trương này, ngoài các giải pháp mà Chính phủ đang triển khai, TSKH. Mai Duy Thiện kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Chiến lược, quy hoạch năng lượng. Cần xây dựng giá mua điện hợp lỳ trên cơ sở tính toán khoa học, hài hòa giữa bên bán và bên mua điện (bên bán là các nhà đầu tư, bên mua là EVN). Các quy hoạch liên quan đến điện gió ngoài khơi cần triển khai khẩn trương để có thế hoàn thành phê duyệt sớm. Cơ chế, chính sách cho phát triển năng lược tái tạo cần được xây dựng có tính liên tục và dài hạn hơn, đủ để các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển các dự án. Nghiên cứu quy định về điện mặt trời áp mái tự dùng không nối lưới tại các khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thuỷ điện tích năng, nghiên cứu hệ thống lưu trữ điện năng, để tạo cơ hội cho phát triển điện gió và mặt trời, vận hành an toàn ổn định hệ thống điện.
Cũng quan tâm đến phát triển điện gió, TS.Dư Văn Toán, Hội Năng lượng tái tạo nhấn mạnh, Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải khí carbonic về 0 (Net-zero) vào năm 2050. Các nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi dự tính sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tồng nguồn phát điện vào năm 2045 (theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII). Phát triển điện gió ngoài khơi, ngoài việc khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng còn đảm bảo thực hiện tầm nhìn phát triển kinh tế biển...
TS.Dư Văn Toán đã phân tích các lợi ích của điện gió ngoài khơi, đây được coi là giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính. Tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cải thiện đời sống của người dân. Cấu trúc móng dưới nước của các tua bin gió ngoài khơi có thể hoạt động như các rạn san hô nhân tạo, thu hút một số loài nhuyễn thể và cá nhỏ, tác động trực tiếp đến chuỗi thức ăn của các loài sinh vật lớn. Hệ sinh thái biển sẽ dần được phục hồi và trở thành khu bảo tồn thiên nhiên.
Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn điện và cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, TS.Dư Văn Toán cho rằng, việc xây dựng chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam thành cường quốc điện gió ngoài khơi (Quốc gia kinh tế biển mạnh) là hết sức cần thiết.
Để thực hiện được điều này, cần sớm nghiên cứu xây dựng Luật Điện gió ngoài khơi, cùng các văn bản, nghị định, thông tư, quy định kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi. Chỉ định một cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện quy hoạch tổng thể cấp quốc gia về phát triển điện gió ngoài khơi và cấp phép một cửa cho các dự án điện gió ngoài khơi. Thúc đẩy việc sản xuất, nội địa hóa thiết bị cho việc phát triển và sử dụng các nguồn điện gió ngoài khơi. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển và sử dụng năng lượng gió ngoài khơi. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam….
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu kết luận hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, sau một buổi làm việc khẩn trương, sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở, Hội thảo đã hoàn thành chương trình đề ra. Đã có 14 ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia về việc thực thi chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng thời gian qua và các giải pháp để khắc phục hạn chế, tồn tại trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật thời gian tới.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận những ý kiến sâu sát, phong phú, trí tuệ của đại biểu dự hội thảo. Đặc biệt, có nhiều vấn đề được đại biểu thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể liên quan đến Quy hoạch phát triển năng lượng, việc thực hiện chuyển dịch năng lượng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, phát thải của hệ thống điện, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, giá điện,....
Các ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo đã được ghi chép đầy đủ; trên cơ sở các tham luận, ý kiến phát biểu của đại biểu và các bài viết của các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý khác trong lĩnh vực năng lượng, Đoàn giám sát sẽ chỉ đạo việc nghiên cứu để xây dựng dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, cũng như nghiên cứu phục vụ việc tiếp tục tiến hành các hoạt động giám sát, khảo sát cụ thể của Đoàn giám sát.
Theo kế hoạch, từ nay cho tới khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát (tháng 9/2023), còn rất nhiều nội dung công việc quan trọng, cần có ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát mong các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục phối hợp, cộng tác, hỗ trợ tích cực, chặt chẽ trong thời gian tới để giúp Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các sản phẩm có chất lượng, nhận diện các vấn đề và đề xuất được các giải pháp khả thi đối với lĩnh vực hệ trọng này của đất nước.
Cổng Thông tin điện tử giới thiệu một số hình ảnh:
Toàn cảnh Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu khai mạc Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng hy vọng, với những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những tư liệu quý báu để kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng Việt Nam bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát điều hành nội dung thảo luận.
PGS. TS Trương Duy Nghĩa, Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam góp ý về thực trạng việc thi hành chính sách, pháp luật trong thực hiện Quy hoạch phát triển năng lượng ở Việt Nam.
TS. Trần Chí Thành, Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng nguyên tử giai đoạn 2016-2021.
ThS. Đặng Huy Đông, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu ý kiến tại hội thảo về an ninh năng lượng Việt Nam - cơ hội và thách thức.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc nêu các vấn đề về thực thi chính sách, pháp luật trong quản lý nhà nước về giá điện giai đoạn 2016-2021.
TS. Lê Hải Hưng, Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội nêu những bài học về quy hoạch và phát triển điện mặt trời ở Việt Nam thời kỳ 2016-2021.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nghiêm Vũ Khải phát biểu góp ý về giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” phát biểu kết luận hội thảo./.