Toàn cảnh cuộc làm việc
Tham dự cuộc làm việc về phía Quốc hội có: các Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường- Phó trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát là thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia tham gia Đoàn giám sát.
Về phía cơ quan báo cáo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; đại diện các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn và doanh nghiệp; đại diện Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước vì đây là 2 cơ quan có vai trò quan trọng đối với giám sát chuyên đề của UBTVQH “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Kết quả của Đoàn giám sát chính là báo cáo của Đoàn và đặc biệt là Nghị quyết trình UBTVQH thì cần được quan tâm, lưu ý đến kết luận của mỗi cuộc làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Đoàn giám sát cũng như các báo cáo, tài liệu gửi Đoàn giám sát đầy đủ. Qua nghiên cứu báo cáo bổ sung, các báo cáo đã gửi và qua thực tiễn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị đánh giá một số nội dung trọng tâm:
Đối với Thanh tra Chính phủ, cần lưu ý 4 nội dung:
- Đánh giá việc ban hành thực hiện chính sách, pháp luật nói chung về phát triển năng lượng theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.
- Công tác thanh tra, kết quả thực hiện kết luận thanh tra trong lĩnh vực năng lượng tập trung vào 2 lĩnh vực: điện và xăng dầu, khí.
- Công tác thanh tra thực hiện tại một số cơ quan trong thời gian vừa qua như Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí…
-Thanh tra một số dự án và công trình cụ thể trong phát triển năng lượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Đối với Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cần tập trung vào các vấn đề sau:
- Đánh giá việc ban hành thực thi chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
- Kết quả kiểm toán, thực hiện các kiến nghị của kiểm toán đối với một số dự án phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ; thực hiện chính sách pháp luật (như thuế đất đai, môi trường…), chính sách giá mua bán điện, thị trường phát triển điện lực; Kết quả kiểm toán các bộ ngành như Bộ Công thương, các bộ ngành, địa phương…
- Kết quả kiểm toán đối với các Tập đoàn cụ thể như Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than khoáng sản, Xăng dầu…
- Kết quả kiểm toán đối với các công trình, dự án cụ thể, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Với mỗi vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị các cơ quan tập trung vào việc đánh giá, làm rõ: Kết quả nổi bật đã đạt được; Tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, sai phạm (nếu có), nguyên nhân (khách quan, chủ quan); Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là của người đứng đầu; việc xử lý trách nhiệm; Giải pháp và đề xuất, kiến nghị.
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc
Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, kết quả giám sát cần lưu ý đến 2 nội dung mà Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm:
- Danh mục các văn bản quy phạm pháp luạt cần phải hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung;
- Danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn
Cũng tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát nghe đại diện Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả và kiến nghị liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021; sau đó các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu sẽ có ý kiến trao đổi, thảo luận, nêu câu hỏi. Đại diện Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan liên quan sẽ giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ cập nhật thông tin chi tiết của cuộc làm việc./.