HẢI PHÒNG: QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ KHÔNG PHÁT HUY VAI TRÒ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG

14/11/2023

Ngày 13/11, Đoàn giám sát chuyên đề Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Phương Tuấn làm trưởng đoàn, làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về việc "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thị trường khoa học và công nghệ”.

ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG TỔ CHỨC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 7

Đoàn Giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND thành phố Hải Phòng

Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2022, nguồn lực cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ xuất phát từ 2 nguồn với hơn 28 tỷ 750 đồng từ nguồn kinh phí từ Ngân sách địa phương và gần 738 triệu đồng từ các nguồn vốn khác. Riêng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thành lập từ năm 2015 với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay, do thiếu cơ chế đặc thù nên Quỹ không phát huy được vai trò hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Trong giai đoạn 2018-2022, đã có 300 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố, gần 30 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp quận/huyện được phê duyệt. Hải Phòng cũng hỗ trợ cho 17 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần tạo nguồn cung cho thị trường khoa học và công nghệ.

Để phát triển thị trường khoa học, công nghệ, thành phố có 02 đơn vị là tổ chức trung gian là Trung tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Hải Phòng và Trung tâm tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng Hải Phòng. Dù đã tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho 40 doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ;  28 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hơn 100 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khác nhưng do thị trường khoa học và công nghệ tại thành phố còn nhiều hạn chế, chưa phát triển nhiều về số lượng và chất lượng nên việc phát triển tổ chức trung gian còn nhiều khó khăn; Bên cạnh đó, việc các đơn vị công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm do các văn bản pháp lý còn chưa đồng bộ và ổn định, thậm chí còn chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện. Nguyên nhân được chỉ ra là do sự phối, kết hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động phát triển thị trường khoa học công nghệ còn chưa chặt chẽ, các nguồn lực còn bị phân tán, chưa tập trung. Chưa có chính sách ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động chuyển giao, mua bán công nghệ.

Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hoàng Hải đặt vấn đề, ngoài 2 trung tâm công lập thi có sự xuất hiện của các trung tâm tư nhân hay không? Việc tiếp cận công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp chủ yếu là qua các kênh nào: sàn giao dịch, các tổ chức trung gian, cơ quan nhà nước? Đồng thời đề nghị Hải Phòng  làm rõ những  vướng mắc được ghi trong báo cáo liên quan đến Luật quản lý tài sản công để Đoàn giám sát có thêm cơ sở kiến nghị sửa đổi Luật.

Thành viên Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, Hải Phòng cần cung cấp thêm trong báo cáo những vấn đề còn vướng mắc, bất cập liên quan đến sự phát triển của Tổ chức trung gian, tập trung vào cơ chế, chính sách, từ đó có hướng khắc phục, tháo gỡ trong thời gin tới. Điều quan trọng  là trong quá trình tự chủ,  các trung tâm này giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào ? Nguồn lực có được từ việc tư vấn chuyển giao công nghệ? Bên cạnh đó, quan tâm đến vấn đề chi ngân sách cho khoa học công nghệ, đại biểu đặt câu hỏi, mức chi thường xuyên và chi cho phát triển của Hải Phòng có đảm bảo được là 2 % như Luật Khoa học, Công nghệ đã nêu?

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, Hải Phòng chi cho khoa học công nghệ ở mức nào, cho những lĩnh vực nào và hiệu quả ra sao? Đối với Quỹ phát triển khoa học công nghệ không phát huy được vai trò hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ do thiếu cái cơ chế đặc thù, đại biểu đề nghị cơ chế đặc thù ở ở đây là gì? Trong hàng loạt các văn bản đã ban hành liên quan tới hỗ trợ phát triển thị trường khoa học công nghệ thì có những quy định ưu đãi gì đối với cá nhân và doanh nghiệp tham gia. Đối với hoạt động học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, đại biểu đề nghị Thành phố cho biết kết quả học tập kinh nghiệm đã được áp dụng vào quá trình  phát triển thị trường khoa học công nghệ của Hải Phòng thời gian qua.

Trả lời câu hỏi của Đoàn giám sát, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ thành phố Hải Phòng cho rằng, Hải phòng được coi là 1 trong những địa phương phát triển mạnh về khoa học, công nghệ, việc hợp tác Quốc tế về khoa học công nghệ đã giúp kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, qua đó, thúc đẩy cái thị trường công nghệ phát triển. Ông Vinh cũng cho rằng, thời gian tới, cần 1 cú hích mạnh về mặt cơ chế chính sách. Thị trường nào cũng phải có tổ chức trung gian để đi xa, đi nhanh do đó cần phải hỗ trợ một cách tối đa về cơ chế chính sách.Do đó, cần xác định rõ vị trí của tổ chức trung gian trong Luật, phải có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ, để thúc đẩy tổ chức trung gian, để làm sao tổ chức này có đủ sức khỏe để dẫn dắt thị trường. Chỉ khi tổ chức công này mà phát triển tốt thì mới dẫn dắt các  tổ chức tư nhân.

 Đoàn Giám sát làm việc với Công ty Cổ phần Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn An về tỷ lệ chi ngân sách cho khoa học công nghệ, đặc biệt là chi cho phát triển thị trường khoa học công nghệ hay có bao nhiêu đề tài, dự án được chuyển giao công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả, Phó chủ tịch UBND thành phố cho rằng, đây vẫn còn là hạn chế của Hải Phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Khắc Nam khẳng định  mức chi của Hải phòng chưa đạt 2 % như quy định nhưng cao hơn mức mà dự toán của Bộ Tài chính đưa ra và quá trình chi cũng chưa chi hết số thành phố đã thực hiện, thậm chí, chi cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong thời gian qua cũng có những hạn chế. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, với tiềm lực của Hải phòng mà chi chưa được 1% thì cần phải cân nhắc lại và đẩy mạnh hơn về nghiên cứu đầu tư, chi cho đầu tư KHCN, bởi 10 năm tới  KHCN là dẫn dắt, đầu tàu thu hút đầu tư. Phó Chủ nhiệm cũng đề nghị, Hải Phòng cần bóc tách mức chi thường xuyên là bao nhiêu và chi đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ là bao nhiêu? Hiện vấn đề chi cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ đang có nhiều vướng mắc, liên quan đến 2 bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài chính, các đại biểu kỳ vọng Luật khoa học, công nghệ sắp tới được sửa đổi sẽ gom vấn đề này về một mối, tức là do Bộ Khoa học, công nghệ quản lý. Đoàn giám sát cũng ghi nhận kiến nghị của các chuyên gia đến từ các Trường, Viện tại thành phố Hải Phòng về việc cân nhắc vấn đề giảm giảm biên chế trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thủ tục hành chính, thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đồng thời khẳng định sẽ đề nghị Chính phủ và các Bộ Tài chính, Khoa học, công nghệ nghiên cứu để sửa đổi Nghị định 70 và Nghị định 95 tháo gỡ những ràng buộc về cơ chế tài chính. Đồng thời, đề nghị Thành phố có ý kiến chính thức về vấn đề tồn tại của Quỹ phát triển khoa học công nghệ để sắp tới khi sửa Luật khoa học, công nghệ còn có cơ sở sửa đổi, có nên tiếp tục duy trì quỹ hay không bởi tất cả các địa phương đều thành lập theo tinh thần của Luật nhưng hoạt động không hiệu quả , gây lãng phí.

Trước đó, Đoàn giám sát Chuyên đề đã khảo sát thực tế tại Trung tâm Phát triển khoa học – công nghệ  và Đổi mới sáng tạo và Công ty Cổ phần Cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc.

Bích Hạnh

Các bài viết khác