ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

12/05/2023

Chiều 12/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

PHIÊN HỌP TIẾP THU, HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI) VÀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nêu rõ, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội Khóa XI thông qua vào năm 2005. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm sự phân công, phối hợp, thực hiện phát triển và ứng dụng giao dịch điện tử trong cả nước.

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử và các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính. Mặc dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Đại diện cơ quan soạn thảo làm rõ các vấn đề mà đại biểu quan tâm

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được ban hành sớm, sau khi có luật mẫu của Liên Hợp Quốc, nên còn mang tính khung và nguyên tắc chung. Luật mẫu của Liên Hợp Quốc có xu hướng viết cho các nước đã phát triển, nơi có hệ thống pháp luật và văn hóa khá khác biệt với Việt Nam. Vì vậy, khi áp dụng vào Việt Nam thì nảy sinh một số bất cập khó thực thi trong thực tế, đặc biệt đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.

Ngoài ra, Luật được ban hành vào thời điểm ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử ở giai đoạn ban đầu, có nhiều vấn đề chưa được nhận diện. Vì vậy, trong quá trình thực thi các quy định còn thiếu đã gây khó khăn cho công tác xây dựng văn bản hướng dẫn, triển khai thực tế. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua là rất cần thiết, nhằm hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật Giao dịch điện tử năm 2005, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, xã hội số, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu tán thành với việc sớm sửa đổi Luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về giao dịch điện tử, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và thực tiễn thực hiện.

Đánh giá cao nhiều nội dung của dự thảo Luật, các đại biểu thảo luận, làm rõ một số vấn đề liên quan đến: Chứng thư điện tử, Dữ liệu điện tử, Chữ ký điện tử; các điều kiện bảo đảm an toàn giao dịch...

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)