Ý KIẾN XUNG QUANH VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

04/04/2023

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được đưa ra đóng góp ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách tháng 4/2023. Nhiều chuyên gia đã có những quan điểm, đề xuất xung quanh việc giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

LẤY Ý KIẾN HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Một trong những nội dung trọng tâm được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tập trung xin ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách là giải quyết tranh chấp tại Tòa án (Mục 5 Chương V).


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn có 02 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tổ tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khi đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 316, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị không quy định về nội dung này trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật nội dung nhưng quy định tại Điều 69 và Điều 78 của dự thảo Luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định về thủ tục tố tụng. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật.

Sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội và trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với Cơ quan soạn thảo lựa chọn một phương án theo loại ý kiến thứ nhất và thể hiện như trong dự thảo Luật, quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống Tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 2 Điều 70 vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Điều 78 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự, để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.


Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực.

Đóng góp vào nội dung trên, tại Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đánh giá việc thể chế hóa Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư trong dự thảo Luật được tổ chức sáng 04/4, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nhất trí với loại ý kiến đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khi đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mặt khác, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật. Hiện dự thảo Luật quy định giải quyết tranh chấp thông qua 4 hình thức là phù hợp, giảm thiểu Tòa án phải giải quyết (Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án).

Để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật. Cũng như đã thống nhất không đưa thêm khái niệm hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Kế thừa Luật hiện hành, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trên cơ sở dự thảo Luật do Chính phủ trình, dự thảo Luật tiếp tục quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự.


GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đề cập về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân tổ chức kinh doanh được quy định tại Chương V, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung thêm nội dung thương lượng là những vấn đề gì? Người được yêu cầu hỗ trợ là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ làm gì trong quá trình thương lượng?

Đối với Mục 4 nói về Trọng tài, GS.TS Trần Ngọc Đường đề nghị bổ sung thêm quy định về kết quả giải quyết tại trọng tài (các trường hợp giải quyết khác đều có quy định về kết quả giải quyết).

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến và sẽ thông qua dự thảo Luật này./.

Bích Lan

Các bài viết khác