BẢO ĐẢM QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ KHOÁNG SẢN VÀ HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

17/04/2024

Tại Phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản diễn ra sáng 17/4, các đại biểu, chuyên gia thống nhất cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật Địa chất và khoáng sản cần đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO CÁC DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THÔNG QUA XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH KHAI KHOÁNG RÕ RÀNG

XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ VỀ ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN

Toàn cảnh Phiên họp.

Sáng 17/4, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Địa chất và khóng sản. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Phiên  họp.

Tham dự Phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh và các thành viên của Ủy ban cùng đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên và đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, các Bộ ngành liên quan cũng như các chuyên gia, nhà khoa học.

Một số điểm mới trong dự án Luật

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên khẳng định: Sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Thứ nhất, Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã nêu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên.

Thứ hai, thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối  tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp (thủ tục của mỏ đất san lấp phải thực hiện như một mỏ vàng).

Thứ ba, việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập như: (i) Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác; (ii) Thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho Doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ; (iii) Trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.

Thực hiện Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 06/7/2023. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện quá trình xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bố cục dự thảo Luật gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 01 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua).  

Dự thảo Luật được xây dựng bám sát vào 05 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội

Một số điểm mới của dự thảo luật gồm: Quy định về điều tra cơ bản địa chất (Chương III); Phân nhóm khoáng sản (Điều 7 và Chương VI); Tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương (chi tiết thể hiện tại mục V); Bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); Khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng (Điều 53); Sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn (Điều 52); Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế (Điều 103); Tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển (Chương VIII); Cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản (Điều 62); Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 5).

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Phiên họp.

Thay mặt Tiểu ban Môi trường và Biến đổi khí hậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đã nêu một số ý kiến và kiến nghị một số nội dung cần quan tâm.

Về hồ sơ tài liệu: Đến nay, hồ sơ cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Tuy nhiên, thời gian gửi còn chậm; dự thảo Luật có một số nội dung quy định mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước; sử dụng ngân sách nhà nước; mở rộng quyền của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng chưa có đánh giá tác động. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần báo cáo bổ sung, đánh giá tác động đầy đủ.

Về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật: dự thảo Luật đã kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành, bổ sung một số quy định mới, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục bất cập trong thực tiễn; đồng thời luật hóa một số quy định từ Nghị định của Chính phủ đã thực hiện ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch và các luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh phát biểu.

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan, đơn vị liên quan làm rõ hơn về quy định chung (Chương I); Chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản (Chương II); Điều tra cơ bản địa chất (Chương III) và điều tra địa chất về khoáng sản (Chương IV); Khu vực khoáng sản; sử dụng đất, nước, khu vực biển và hạ tầng, kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản (Chương V); Hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản, chế biến khoáng sản (Chương VI); Quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển (Chương VIII); Tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Chương X)...

Việc xây dựng, ban hành Luật pải khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập hiện hành

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật Địa chất và khoáng sản cần phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, các đại biểu, chuyên gia tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh trong khai thác khoáng sản; Khai thác khoáng sản trong khi nhiều nguồn tài nguyên đang bị cạn kiệt; Khai thác khoáng sản phải đi liền với bảo vệ môi trường; Điều chỉnh thời gian cấp giấy phép khai thác khoáng sản; Đánh giá tác động của Luật với vấn đề việc làm, an sinh xã hội và an toàn lao động...

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu quan điểm: Dự án Luật Địa chất và khoáng sản cần được rà soát kỹ lưỡng đối với các quy định, nội dung mới được cử tri, Nhân dân quan tâm như tiêu chí đảm bảo quốc gia, đảm bảo an ninh trong khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể trong việc khai thác những khoáng sản quý hiếm, có trữ lượng hạn chế...

Ngoài ra, dự án Luật cần có sự điều chỉnh trong việc cấp phép khai thác khoáng sản. Theo đó, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản không nên kéo dài và có thể điều chỉnh từ 5 năm xuống còn 3 năm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm cho rằng, trong dự án Luật Địa chất và khoáng sản cần có sự đánh giá tác động của Luật với vấn đề lao động việc làm, an sinh xã hội. Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng đối với vấn đề đảm bảo an toàn lao động trong khi khai thác khoáng sản.

Với những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, chuyên gia, thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên bày tỏ sự cảm ơn những ý kiến đóng góp vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Trên tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, đại biểu trong quá trình hoàn chỉnh dự án Luật.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; quản lý tập trung, thống nhất. Ngoài ra, khoáng sản là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, do đó, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này phải được thực hiện hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước bền vững trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp.

Luật Khoáng sản 2010 sau hơn 13 năm thi hành đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành như quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết; quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về điều tra cơ bản địa chất… Mặt khác, hiện nay một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai… do đó, cần phải rà soát sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào Chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Việc xây dựng, ban hành Luật phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, thống nhất ý kiến về việc dự án Luật đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét theo quy định hiện hành.

Thứ hai, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận các ý kiến của các vị đại biểu, trong đó tập trung vào quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật lần này; phạm vi điều chỉnh, nội dung các chương, điều của dự thảo Luật.

Bộ phận thư ký đã ghi chép đầy đủ các ý kiến và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ ba, ngay sau phiên họp thẩm tra sơ bộ này, đề nghị Tiểu ban Môi trường và Biến đổi khí hậu khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu đã phát biểu, hoàn thiện Dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ, gửi xin ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, kịp thời báo cáo Chủ nhiệm Ủy ban để ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo thời hạn quy định.

Thứ tư, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban sớm gửi báo cáo tham gia thẩm tra cho Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo thời hạn đã yêu cầu để kịp tổng hợp, xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ năm, về phía cơ quan soạn thảo, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các ý kiến góp ý; dự kiến những vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật làm cơ sở để báo cáo bổ sung tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới.

** Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Phiên họp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An đóng góp ý kiến vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành liên quan làm rõ hơn về việc khai thác khoáng sản ở những vùng nguy hiểm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ việc đấu giá khai thác khoáng sản.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương góp ý kiến là cần làm rõ hơn công tác chế biến khoáng sản.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần có sự rà soát các quy định, nội dung mới được cử tri, Nhân dân quan tâm. 

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh lưu ý việc khai thác khoáng sản ở những vùng, miền có đông đồng bào dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng nêu quan điểm tại Phiên họp.

TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên ĐBQH khóa XIV yêu cầu cần có điều tra cơ bản về các mỏ khoáng sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các ý kiến góp ý; dự kiến những vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật làm cơ sở để báo cáo bổ sung tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới./.

Bích Lan - Đình Thành