HỘI NGHỊ ĐÁNH GÍA CÔNG TÁC XÂY DỰNG LUẬT HÀNH CHÍNH CÔNG 2017 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH 2018

09/02/2018

Sáng ngày 09/02, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác xây dựng Luật hành chính công năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đánh giá công tác xây dựng Luật hành chính công năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018

Tham dự Hội nghị còn có các thành viên trong Ban soạn thảo, đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, bộ, ngành hữu quan và một số chuyên gia, nhà khoa học.

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật liên quan đến nội dung chính của dự án Luật Hành chính công, năm 2017 là năm đầu tiên Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết 22/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đây là mô hình chưa có tiền lệ, góp phần từng bước đổi mới trong công tác lập pháp được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương quan tâm ủng hộ và hỗ trợ.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng dự án Luật Hành chính công; tiếp thu ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong năm 2017, Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công đã phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện tổ chức tổng kết việc thi hành pháp luật liên quan đến các nội dung chính của dự án Luật Hành chính công từ năm 2011 đến nay.

Theo đó, về công tác tổ chức – hành chính, Nghị quyết số 37/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công gồm 27 thành viên, trong đó có: 7 thành viên là Đại biểu Quốc hội khóa 14; 3 thành viên nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa 13, 5 thành viên là lãnh đạo cơ quan trung ương, 8 thành viên là lãnh đạo cấp Vụ, 4 thành viên là chuyên gia cao cấp, nhà khoa học luật. Trong quá trình triển khai kế hoạch xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo lên lịch hàng ngày; duy trì gửi các dự thảo văn bản qua email cá nhân của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Khi cần thiết, Thường trực Ban soạn thảo phải bố trí làm việc cả ngoài giờ (kể cả thứ bảy, chủ nhật) để đảm bảo tiến độ trình Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Uỷ ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về công tác xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo đã xây dựng kế hoạch 2 đợt khảo sát lấy ý kiến cán bộ chủ chốt, các cơ quan, đơn vị gồm 08 địa phương, 12 bộ, ngành, 2 đơn vị cấp Tổng cục. Đến nay, đã có 20/22 cơ quan Bộ, ngành trung ương; 29/63 Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và 37/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo về Thường trực Ban soạn thảo. Từ kết quả khảo sát và báo cáo của các bộ, ngành trung ương, chính quyền cấp tỉnh các địa phương, Ban soạn thảo đã xây dựng Báo cáo Tổng kết việc thi hành pháp luật liên quan đến nội dung chính của dự án Luật.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao, chuyên gia Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến đề nghị xây dựng dự án Luật. Đồng thời, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học và khảo sát, Báo cáo tổng kết tình hình thực tiễn, Ban soạn thảo tiến hành xây dựng nội dung các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật Hành chính công, xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và Báo cáo đánh giá tác động về thủ tục hành chính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu tại Hội nghị

Về sự tham gia của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, trong năm qua, tập thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập nỗ lực làm việc, tập trung công tác chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo quy định, thường xuyên duy trì các hoạt động xây dựng pháp luật theo kế hoạch đã đề ra. Những nỗ lực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, dự thảo Báo cáo tổng kết cũng cho rằng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như việc tập hợp thông tin, báo cáo của một số bộ, ngành, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn chậm do một số đơn vị chưa chuyển kịp thời; việc bố trí ngân sách hỗ trợ hoạt động của Ban soạn thảo trong công tác xây dựng dự án Luật còn nhiều khó khăn, eo hẹp….

Đại biểu tham dự Hội nghị phát biểu ý kiến

Trên cơ sở kết quả năm 2017, Ban soạn thảo dự án Luật đã đề ra một số kế hoạch công tác trong năm 2018 như: chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12442/VPCP-PL ngày 22/11/2017 của Văn phòng Chính phủ; chuẩn bị hồ sơ dự án Luật bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ (dự kiến trình xin ý kiến Chính phủ trước tháng 7/2018); tiếp tục nghiên cứu quán triệt, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng trong xây dựng dự án Luật; tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định trong quản lý, điều hành nền hành chính trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin về công tác xây dựng Dự án…

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí, đánh giá cao những kết của đã đạt được trong công tác xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng, Ban soạn thảo cần liệt kê những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… từ đó làm căn cứ, cơ sở rà soát, thảo luận trong thời gian tới. Ngoài ra, cần có sự phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các thành viên trong Ban soạn thảo, qua đó nâng cao năng lực, vai trò và trách nhiệm của các thành viên.

Vụ trưởng Phạm Minh Hùng cũng cho rằng, trong quá trình lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật, Ban soạn thảo nên nêu rõ việc tiếp thu hoặc không tiếp thu các góp ý với lý do, nguyên nhân cụ thể. Đồng thời có thể gợi mở hoặc đưa ra những vấn đề tập trung, trọng tâm trong dự thảo Luật để xin ý kiến góp ý.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Còn theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến, với khối lượng công việc tương đối lớn cùng thời hạn trình xin ý kiến Chính phủ không còn nhiều thời gian, do đó, Ban soạn thảo cần lập quy trình chi tiết, cụ thể. Cùng với đó, đề nghị Văn phòng Quốc hội tạo điều kiện bố trí thêm nguồn nhân lực trong bộ máy giúp việc Ban soạn thảo để nâng cao hiệu lực, chất lượng, hiệu quả công việc hơn.

Một số ý kiến khác đề nghị cần tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan; tích cực, chủ động trong việc trao đổi qua email và thảo luận, tranh luận trực tiếp….

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật, Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ cảm ơn sự tham gia tích cực, chủ động phối hợp của các thành viên trong Ban soạn thảo, đại diện các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học trong suốt thời gian qua.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật cũng khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại Hội nghị để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Báo cáo cũng như dự thảo Luật. Đồng thời mong muốn các đại biểu sẽ tiếp tục phối hợp, tham gia tích cực, đầy đủ hơn nữa để góp phần nâng cao hiêu lực, hiệu quả công tác xây dựng dự án Luật trong thời gian tới.

Quang Minh