Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ mười, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Bộ Tài chính; các đại biểu Quốc hội là ủy viên Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Năm 2019, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 3 bậc, lên vị trí thứ 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy trình bày Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và chi ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2019; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho khoa học và công nghệ năm 2020. Báo cáo nêu rõ, năm 2019 là năm cuối chuẩn bị kết thúc của kế hoạch khoa học và công nghệ 5 năm (2016-2020), trong đó ngành khoa học và công nghệ đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các Chương trình hành động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, trong đó trọng tâm là tăng cường thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với ngành, lĩnh vực trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Nhờ vậy, năm 2019, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 3 bậc, lên vị trí thứ 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cũng chủ động, tích cực tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, biển; đặc biệt là ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi diễn biến lan rộng và phức tạp trong thời gian qua…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy trình bày Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách khoa học và công nghệ năm 2019, dự kiến kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2020.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, trong đó trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Tiến hành xây dựng hệ thống tri thức Việt số hóa và vận hành hiệu quả các cổng thông tin về khoa học công nghệ. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng triển khai kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam năm 2019 và xây dựng kế hoạch năm 2020, đến nay đã có khoảng 11.500 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và 780 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), tỷ lệ hài hòa với khu vực và thế giới đạt khoảng 54%, góp phần thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế…..
Về phân bổ vốn sự nghiệp ngành khoa học và công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2019 đã được Quốc hội thông qua là 12.825 tỷ đồng (tăng 635 tỷ đồng so với năm 2018). Tính đến hết tháng 9/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán và hướng dẫn cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện là 12.796,8 tỷ đồng (đạt 99,76%) dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2019. Số kinh phí 28,2 tỷ đồng còn lại để dựng phòng thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, phát sinh phục vụ phát triển kinh tế xã hội đang được phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ.
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính phát biểu tại Phiên họp
Báo cáo về dự kiến kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2020, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ. Đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ gắn với kết hợp chặt chẽ với phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Thúc đẩy phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…
Đầu tư công cho khoa học và công nghệ mới chỉ đáp ứng 35% nhu cầu
Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách khoa học và công nghệ năm 2019, dự kiến kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2020 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh trình bày khẳng định, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận thấy năm 2019 với sự nỗ lực của toàn ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai đồng bộ các giải pháp đê rthuwjc hiện các nội dung của kế hoạch đề ra. Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khoa học và công nghệ đã được ban hành kịp thời với số lượng lớn để triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ đã có đổi mới mạnh mẽ và tăng cường năng lực cho hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ dành cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ tăng lên đáng kể. Nhờ đó, tỷ lệ chi thường xuyên giảm từ 70% đầu nhiệm kỳ xuống còn dưới 64% chi ngân sách, cho thấy xu thế tích cực trong nỗ lực cắt giảm chi thường xuyên. Khoa học và công nghệ đã thực sự khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Hoạt động khoa học và công nghệ đã bám sát hơn và phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, chuyển dịch theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng nêu rõ, từ khi có Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ bản nắm được số dự toán chi sự nghiệp và dự toán chi đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, khi Luật đầu tư có hiệu lực thi hành thì cả hai Bộ Khoa học và Công nghệ (thực hiện quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê) hoàn toàn không nắm được dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của địa phương, bởi vì nguồn vốn này đã được phân cấp mạnh. Cơ chế, chính sách về tài chính cho khoa học và công nghệ cần được tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học và công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Quy định về việc thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về cơ bản vẫn dựa trên nguyên tắc quản lý tài chính công, theo cơ chế hành chính, thủ tục phức tạp, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp chi cho khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ cho khối trung ương rất lớn nhưng đầu tư công cho khoa học và công nghệ mới chỉ đáp ứng được 35%. Còn vốn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ ở địa phương do Hội đồng nhân dân các địa phương quyết định dẫn đến tình trạng sử dụng đôi khi chưa đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính cho khoa học và công nghệ
Cho ý kiến về nội dung tại Phiên họp toàn thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thời gian qua, tuy nhiên, báo cáo trình bày tại phiên họp còn sơ sài, chỉ chủ yếu nêu đầu việc, sự kiện đã triển khai, một số sự việc có con số báo cáo cụ thể, nhưng những con số này chỉ là số lũy kế đến năm 2019, chứ không phải kết quả số liệu của năm 2019. Đại biểu đề nghị Bộ cần có báo cáo tổng thể từ đầu nhiệm kỳ 2016 đến nay và cả kết quả năm 2019, có như vậy các đại biểu mới có đánh giá tổng quan, tổng thể quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành khoa học và công nghệ, từ đó mới có đóng góp, đề xuất những nhiệm vụ trong năm tiếp theo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh
Về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh cho rằng, trong báo cáo chỉ nêu chung chung không nêu rõ số liệu thực hiện đến đâu, trong khi đó, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, đối với nhiệm vụ khai thác tài sản trí tuệ, báo cáo cũng không nêu rõ kết quả thực hiện, chưa phân tích rõ thuận lợi khó khăn, nhất là khi tham gia các hiệp định FTA. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn chỉnh báo cáo, làm cơ sở cho Ủy ban Khoa học và Công nghệ báo cáo Quốc hội
Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, đánh giá cao các nghiên cứu khoa học đã từng bước được ứng dụng vào thực tiễn, từng sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là trong ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu một số tồn tại, trong đó có việc Bộ Khoa học và Công nghệ không nắm được dự toán chi đầu tư phát triển khoa học công nghệ của địa phương. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc phân bổ ngân sách cho các địa phương cho năm sau và không đánh giá được hiệu quả thực hiện ngân sách như thế nào. Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu một số khó khăn về thủ tục hành chính tồn tại ở địa phương, nhất là việc thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học, nếu vẫn áp dụng quy trình như hiện nay thì gây khó khăn trong công tác giải ngân.
Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy phân tích, trong báo cáo chưa nêu về cơ chế đặt hàng đã được nhiều nhà khoa học phản ánh, nhưng vẫn khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính khi thực thi trong thực tiễn. Bên cạnh đó, tiến độ chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm vẫn còn chậm, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần có tổng kết, đánh giá và chỉ đạo kịp thời. Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực khoa học công nghệ mới chỉ đạt 35% so với yêu cầu, nguyên nhân của tình trạng này là đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nêu ví dụ về hệ thống phòng thí nghiệm quốc gia đầu tư số ngân sách lớn nhưng không đồng bộ, khiến việc khai thác sử dụng kém hiệu quả, chưa kể hàng năm tốn khoản kinh phí lớn để tiến hành bảo hành, sửa chữa những phòng thí nghiệm đã được đầu tư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy
Nhấn mạnh, khoa học và công nghệ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thứ, tuy nhiên, đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng công tác chỉ đạo, điều hành hiện nay còn rời rạc. Điều 46, Luật Khoa học và Công nghệ đã quy định tất cả chương trình phát triển kinh tế xã hội, các dự án đầu tư đều phải lập mục chi cho khoa học và công nghệ, tuy nhiên, quy định này vẫn chưa được thực thi trong thực tế. Về những dự án quan trọng được sử dụng vốn ODA, đại biểu đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ ngành đã chủ động trình Chính phủ phân bổ vốn cho lĩnh vực này hay chưa?
Cho ý kiến về nội dung phiên họp, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường phân tích, khoa học công nghệ vẫn chưa được coi trọng đúng với vị trí của lĩnh vực này. Chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và việc thực hiện chi ngân sách chưa đi vào thực chất và đạt hiệu quả như mong muốn. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, ngân sách dành cho lĩnh vực khoa học cho các địa phương hiện nay chủ yếu chi dành cho chi thường xuyên, chi cho công tác tuyên truyền, tư vấn khoa học công nghệ. Để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào khoa học công nghệ. Muốn vậy, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng được khung chính sách để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển.
Về phương hướng nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ và định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên; khoa học và công nghệ trong nông nghiệp; trong công nghiệp; trong giao thông vận tải; trong xây dựng và các hướng công nghệ ưu tiên. Tuy nhiên, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực và địa phương cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm và có cơ chế ưu tiên nguồn lực để thực hiện; không bố trí nhiều nhiệm vụ gây dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả và cần thực hiện phương châm đầu tư nhiệm vụ nào, hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ đó.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và chỉ đạo sớm bổ sung, hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, năm 2019, hàng loạt chương trình, dự án nghiên cứu về khoa học xã hội đóng góp rất lớn vào việc hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng, trong đó nêu rõ vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới. Giải trình về câu hỏi của đại biểu về huy động xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực khoa học, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, năm 2019 có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng nhà đầu tư vào khoa học công nghệ, tuy nhiên vẫn chưa được thể hiện đầy đủ trong nội dung báo cáo. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ các điều kiện, thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là 20 điều khoản liên quan đến miễn giảm thuế khi doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng giải trình các nội dung liên quan đến việc triển khai Quỹ khoa học công nghệ; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập; giải ngân vốn đầu tư công…
Cũng tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày các báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển, thống kê và tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học công nghệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, khoa học và công nghệ ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực tế hoạt động khoa học công nghệ những năm gần đây khá sôi động, 3 trường đại học lớn vào tốp 1.000, chỉ số đổi mới hoạt động sáng tạo tăng đáng kể... Tuy nhiên, để khoa học và công nghệ phát triển cần tháo gỡ cơ chế chính sách, cần liên kết kết quả nghiên cứu; tăng tính ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống và cần đánh giá hiệu quả khoa học công nghệ được đầu tư từ ngân sách nhà nước; đồng thời phân bổ nguồn vốn phù hợp, tránh dàn trải, kém hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ với các cơ quan liên như các cơ quan ban hành chính sách, các tổ chức chính trị xã hội cũng cần có cơ chế phối hợp liên tục, hiệu quả hơn nữa. Sau phiên họp, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra trình Quốc hội cho ý kiến./.