Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Phiên họp
Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Bộ Tài chính; các đại biểu Quốc hội là Ủy viên Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Ô nhiễm không khí tại các đô thị diễn biến phức tạp
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách bảo vệ môi trường năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ và ngân sách bảo vệ môi trường năm 2020 do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trình bày khẳng định, 9 tháng năm 2019, đã có 2 dự án quy hoạch thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, 230 dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; 42 dự án, hoạt động đầu tư thực hiện đăng ký cam kết bảo vệ môi trường; 42 dự án được cấp trung ương xác nhận hoàn thành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức thanh tra 210 cơ sở trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố, xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở, tổng số tiền 4,9 tỷ đồng. Đến nay đã có 289/435 cơ sở có tên theo Quyết định số 1788 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 66,43%; 146 cơ sở đang thực hiện các biện pháp xử lý triệt để.
Về tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn, theo số liệu thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định, đạt 86%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp khá cao, đạt trên 90% khối lượng phát sinh. Năng lực thu gom xử lý chất thải rắn nguy hại của các cơ sở xử lý tăng cao hơn so với năm 2018. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đúng quy định đạt khoảng 75%, ước cả năm 2019 đạt trên 80%.
Năm 2019, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã xử lý hơn 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật, phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học tại các điểm nóng về ô nhiễm như sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trình bày Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách bảo vệ môi trường năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ và ngân sách bảo vệ môi trường năm 2020
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại, tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường năm 2019 còn một số vấn đề bất cập. Cụ thể, còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư. Lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng mạnh, nhưng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều yếu kém, hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Chỉ số chất lượng không khí có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân.
Về tình hình thực hiện kế hoạch và dự toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương là 2.290 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2019 đã phân bổ 1.51,922 tỷ đồng, đạt 50,3%. Về ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường địa phương, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu hướng dẫn là 13.900 tỷ đồng, chiếm 85,86% so với tổng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của cả nước; số được Hội đồng nhân dân các tỉnh thông qua là 18.152.741 triệu đồng, lớn hơn 4.252.741 triệu đồng so với số giao của Bộ Tài chính, trong đó 44/63 tỉnh thành phố chi cao hơn số giao của Bộ Tài chính.
Năm 2019, tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương bố trí cho ngành tài nguyên và môi trường là 1.027,018 tỷ đồng, tính đến ngày 15/9/2019 mới giải ngân được khoảng 190,655 tỷ đồng, đạt 18,56%.
Chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường chưa đạt kế hoạch
Trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước bảo vệ môi trường năm 2019; phương hướng nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2020 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh trình bày đã khẳng định, Ủy ban đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan hữu quan trong quá trình triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhiều vấn đề môi trường đã được quan tâm xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường có xu hướng chậm lại. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường đạt được kết quả tích cực. Các vùng đất bị ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật và các điểm nóng, bức xúc về môi trường tiếp tục được Chính phủ quan tâm, đầu tư xử lý khắc phục. Tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường theo tiêu chí nông thôn mới của cả nước đạt 57,2%, cao hơn so với mục tiêu đề ra là 50% vào năm 2020.
Các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ mười, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng nhận thấy nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường tích tụ vẫn chậm được giải quyết triệt để, chưa bảo đảm kế hoạch đề ra. Trong năm 2019 tiếp tục phát sinh những vấn đề ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận ở một số địa phương, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước về môi trường còn lúng túng trong việc giải quyết. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, đặc biệt có nhiều khu công nghiệp đã hoạt động nhưng chưa hoàn chỉnh hạ tầng thu gom, xử lý, quan trắc nước thải. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hạ tầng thu gom chưa đáp ứng yêu cầu; lượng chất thải rắn gia tăng mạnh; ô nhiễm khống khí các đô thị lớn diễn biến phức tạp….
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nhấn mạnh, số ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương chưa phân bổ còn lớn (1.138,078 tỷ đồng) chiếm 49,7%; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính khẩn trương sớm phê duyệt phương án phân bổ số ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường còn lại của năm 2019; hạn chế tình trạng hủy dự án do quá thời gian phân bổ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước như đã xảy ra trong các năm trước. Việc phân bổ, sử dụng ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường cho Bộ, ngành Trung ương vẫn còn tình trạng dàn dải, chưa tập trung. Để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính rà soát, kiên quyết cắt giảm, tập trung kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho những nhiệm vụ bảo vệ môi trường cấp bách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đặc biệt, còn 13 địa phương bố trí kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường thấp hơn số giao của Bộ Tài chính, tình trạng này gia tăng hơn so với năm 2018 (7 địa phương). Ủy ban đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra, có giải pháp xử lý, để các địa phương chấp hành tốt mức chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường chậm được xử lý
Cho ý kiến vào nội dung phiên họp, đại biểu Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đối với những vấn đề ô nhiễm môi trường đang nổi lên gây bức xúc trong xã hội, như vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, ô nhiễm không khí tại đô thị lớn cơ quan chức năng vẫn chậm và lúng túng trong chỉ đạo xử lý.
Một số ý kiến đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan trong việc chậm trễ xử lý tình trạng ô nhiễm hệ thống sống Nhuệ, sông Đáy. Đại biểu đề nghị cần tăng cường năng lực quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương; có cơ chế, chính sách tăng cường nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mức độ gia tăng nhanh về quy mô, diễn biến ngày càng phức tạp về môi trường.
Cho ý kiến về công tác xử lý chất thải rắn, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường khẳng định, Luật Bảo vệ Môi trường đã có quy định về thu gom rác thải, tuy nhiên việc thực thi trong thực tế không hiệu quả, do nhiều nguyên nhân trong đó có tình trạng lợi ích nhóm trong xử lý rác thải. Đại biểu đề nghị cần tăng cường quản lý nhà nước về quản lý chất thải rắn sinh hoạt độ thị và nông thôn, trọng tâm là việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nâng cao năng lực thu gom, phát triển công nghệ xử lý phù hợp, chú trọng xây dựng cơ chế để giảm thiểu, quản lý chặt chẽ rác thải nhựa.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh về chậm trễ trong xử lý, thu gom, phân loại rác thải, đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ nguyên nhân vì sao chủ trương phân loại rác thải từ nguồn đã triển khai nhiều năm nay không đạt kết quả như mong muốn? Đại biểu nêu ví dụ về cuộc chiến chống rác thải nhựa ở nhiều địa phương thời gian qua chủ yếu vẫn làm theo phong trào, hô hào, khẩu hiệu chung chung, mà chưa có chiến lược, kế hoạch cụ thể.
Đại biểu Thái Trường Giang, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đề nghị cần làm rõ những vướng mắc trong thực hiện chi ngân sách nhà nước trong bảo vệ môi trường
Đại biểu Thái Trường Giang cũng mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ những vướng mắc trong thực hiện ngân sách nhà nước trong bảo vệ môi trường, tại sao không sử dụng hết 1% ngân sách nhà nước dành cho công tác này.
Thông tin thêm về số chi ngân sách cho bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Trường Giang, Quyền Vụ trưởng Vụ Tài chính - Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết Trung ương nêu rõ dành tối thiểu 1% tổng chi ngân sách nhà nước để chi cho bảo vệ môi trường. Trên thực tế thời gian qua, Chính phủ đã dành trên 1% ngân sách cho bảo vệ môi trường, tuy nhiên việc giải ngân nguồn vốn này trong mấy năm qua không đạt kế hoạch, khiến hiệu quả đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa cao.
Cũng tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và trường vẫn chưa đề cập đến tình hình khai thác cát, khai thác tài nguyên khoáng sản, cháy rừng thời gian qua. Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bày tỏ lo lắng trước tình trạng môi trường Việt Nam ngày càng xấu đi, nhất là nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra gần đây. Trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã điểm lại kết quả đạt được; chỉ ra 6 tồn tại, bất cập của ngành. Mặc dù trong 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp mà Bộ nêu ra đều đúng định hướng, đúng trọng tâm, nhưng đại biểu cho rằng cần nêu rõ nhóm nhiệm vụ giải pháp nào cần đặt ưu tiên cao để khẩn trương giải quyết.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Tiếp thu các nội dung đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết sẽ tổng hợp, tham mưu Thủ tướng tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong công tác bảo vệ môi trường, tháo gỡ vướng mắc trong chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường. Đối với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của ngành, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, giải quyết những vấn đề đại biểu nêu liên quan đến xử lý rác thải nhựa, chất thải rắn, xử lý các sự cố ô nhiễm môi trường, đẩy nhanh tiến độ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường…
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận Phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, chiều ngày 05/10, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước bảo vệ môi trường năm 2019; phương hướng nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2020. Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết vì nhiệm vụ, mục tiêu chung là bảo vệ môi trường. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của đại biểu tại phiên họp, bổ sung, hoàn thiện báo cáo, gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm cơ sở hoàn thiện Báo cáo Thẩm tra trình Quốc hội trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng giao Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh và Phó Chủ nhiệm Lê Hồng Tịnh tiếp tục hoàn thiện Báo cáo thẩm tra liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
Kết luận Phiên họp toàn thể lần thứ 10, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, các đại biểu đã thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 trong lĩnh vực khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đánh giá cao sự tham gia đầy đủ, có trách nhiệm của lãnh đạo các bộ ngành; đề nghị các bộ, ngành tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý của đại biểu tại phiên họp, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường trong thời gian sớm nhất./.