VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH CẦN TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ SỰ ĐA DẠNG VĂN HÓA VÀ PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC GIÁ TRỊ CỦA KHU VỰC CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG

09/11/2021

Chuẩn bị cho sự kiện APPF tổ chức vào tháng 12/2021 tại Hàn Quốc, theo chương trình, sáng ngày 09/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã tham gia cuộc họp Nhóm thảo luận các dự thảo Nghị quyết về chủ đề hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 

Đây là hoạt động trong khuôn khổ các phiên họp trực tuyến chuẩn bị văn kiện cho Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF 29) sẽ diễn ra vào tháng 12/2021 sắp tới tại Seoul, Hàn Quốc với chủ đề “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu Covid-19”.


Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đoàn nghị viện thành viên APPF đã thảo luận, cho ý kiến đối với 3 dự thảo nghị quyết về: Vai trò của nghị viện trong việc cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh, kinh tế, quyền con người và các ý tưởng hợp tác liên nghị viện, Nghị quyết về Hành động chung của nghị viện trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Nghị quyết về Nâng cao hiểu biết về đa dạng văn hóa ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết về Nâng cao hiểu biết về đa dạng văn hóa ở Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam khẳng định các nghị viện cần tăng cường bảo vệ sự đa dạng văn hóa, phục vụ yêu cầu hội nhập và phát huy hiệu quả các giá trị của khu vực. Việt Nam cũng kiến nghị các nghị viện thành viên APPF tăng cường hỗ trợ về tài chính và thể chế cho các ngành công nghiệp du lịch và sáng tạo. Bên cạnh đó là khuyến khích các quốc gia tại khu vực thúc đẩy các dự án trao đổi, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, lưu trữ kĩ thuật số về di sản văn hóa, tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm chuẩn bị và tổ chức các sự kiện văn hóa.


Cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng một lần nữa khẳng định yêu cầu cấp thiết phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các dự thảo nghị quyết, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang đào sâu thêm khoảng cách giới, gây ra những tác động sâu sắc tới phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác