Trong năm 2017, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn mà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội giao.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng, năm 2017 là năm “được mùa” của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Cụ thể, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra và tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua 05 dự án Luật, đó là: Luật Thủy lợi, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đường sắt, Luật Lâm nghiệp và Luật Thủy sản; thẩm tra trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu 01 dự án luật khác là Luật Đo đạc và Bản đồ. Bên cạnh đó, Ủy ban còn chủ trì thực hiện chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về an toàn thực phẩm và đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về vấn đề rất quan trọng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng phối hợp với các bộ, ngành của Chính phủ đưa chính sách, pháp lệnh được thông qua vào thực tế. Luật Chuyển giao công nghệ do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì đã chính thức được các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV; đã cụ thể hóa hoạt động chuyển giao công nghệ, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước với ưu tiên là công nghệ tiên tiến, hiện đại, loại bỏ công nghệ lạc hậu tại Việt Nam.
Giám sát đúng nguyên tắc, hiệu lực và hiệu quả
Bên cạnh việc tổ chức giám sát của Ủy ban và giám sát thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ, Ủy ban còn thực hiện chủ trì phục vụ Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội.
Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm là một nội dung quan trọng mà Ủy ban đã triển khai thực hiện hiệu quả trong năm 2017. Từ tháng 11/2016 đến hết tháng 4/2017, Đoàn giám sát đã làm việc tại 21/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ở 03 miền Bắc, Trung, Nam, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 08 loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; làm việc với Chính phủ và 03 bộ có trách nhiệm liên quan đến công tác này gồm: Bộ Y tế, bộ Công thương và bộ NN&PTNT; tổ chức 03 Hội nghị chuyên đề tại Quảng Ninh, Bình Định và Tp. Hồ Chí Minh.
Đoàn giám sát của Ủy ban hoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thực hiện giám sát về An toàn thực phẩm.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng khẳng định: “Việc Quốc hội quyết định chọn giám sát tối cao chuyên đề đầu tiên của Quốc hội là về An toàn thực phẩm là rất đúng, có tính thời sự cao và rất hợp với nguyện vọng cử tri trong bối cảnh vệ sinh An toàn thực phẩm có nơi ở mức báo động. Điều đặc biệt là Đoàn giám sát thực hiện một cách toàn diện theo chuỗi về an toàn thực phẩm, từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng, hay thường nói là từ đồng ruộng đến bàn ăn trên phạm vi cả nước. Hơn nửa số địa điểm giám sát là đoàn chủ động tự chọn không phải bố trí sẵn trước và thời điểm giám sát có nhiều lúc vào ban đêm, từ 10- 11 giờ đêm đến 3-4 giờ sáng, loại bỏ được tình trạng đối phó, để có đánh giá đúng hơn về An toàn thực phẩm, có kiến nghị với Quốc hội để ban hành Nghị quyết”.
Ủy ban cũng thực hiện các hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề như việc sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam, việc đăng kiểm tàu thủy đóng bằng vật liệu mới PPC, việc xử lý nước thải tại Nhà máy giấy Lee&Men (Hậu Giang) hay việc áp dụng công nghệ mới trong vận tải hành khách... Tất cả đều hướng tới mục tiêu là: Đảm đảm quyền và lợi ích hợp pháp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả giám sát, Ủy ban đã xây dựng Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội trình Quốc hội thông qua; phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan liên quan chỉnh lý và hoàn thiện Nghị quyết trình Quốc hội ký ban hành.
Lấy kết quả 2017 làm “bàn đạp” cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2018
Phát huy những thành quả đạt được, trong năm 2018, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thẩm tra và tiếp thu chỉnh lý trình Quốc hội thông qua 03 dự án Luật đó là: Luật đo đạc và bản đồ, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; thẩm tra trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Kiến trúc để trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2019. Đối với công tác giám sát, ngoài các giám sát thường xuyên theo chức năng thì thực hiện giám sát chuyên đề tăng cường công tác “hậu giám sát” về “Việc thực hiện Nghị quyết số 297 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển KH&CN”.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng.
Cũng trong năm 2018, Ủy ban sẽ thực hiện giám sát: Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và quy hoạch kiến trúc; Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và cơ sở sản xuất có xả thải lớn; Tình hình triển khai thực thi pháp luật về thủy sản và hoạt động kiểm ngư. Đây là những nội dung có ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân và doanh nghiệp, cũng là nhiệm vụ mà mỗi cán bộ thực thi nhiệm vụ của Ủy ban đặt ra mục tiêu trong năm 2018, đó là thực hiện hiệu quả, đồng lòng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Quốc hội và nhân dân giao phó.
Với lòng quyết tâm và sự nỗ lực của mỗi thành viên, mỗi cán bộ trong Ủy ban, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của lãnh đạo Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành và địa phương; tinh thần và trách nhiệm cao về tham mưu, phục vụ của cán bộ văn phòng Quốc hội, công tác phối hợp với văn phòng các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng tin tưởng rằng, năm 2018, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ đạt được nhiều thắng lợi mới, góp phần tạo nên thành công chung của Quốc hội Việt Nam trong những chặng đường tiếp theo./.