Toàn cảnh phiên họp chiều 1/6
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường về Dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật. Ngày 12/3/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật; ngày 16/3/2018, Dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Bổ sung nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ
Tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phù hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; kịp thời ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; công trình hạ tầng đo đạc, thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ được xây dựng bằng ngân sách nhà nước là tài sản công, phải được kế thừa, sử dụng, quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Thẩm tra Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo
Cũng liên quan đến nội dung này, việc cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được miễn, giảm hoặc không được miễn, giảm phí thì không nhất thiết quy định như một nguyên tắc trong luật này mà phải do quy định của pháp luật có liên quan hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết là hợp lý.
Rà soát quy định đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát chỉnh sửa quy định về nội dung đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm bao gồm: Đo đạc, thành lập, cập nhật bản đồ hiện trạng công trình ngầm; đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ quy hoạch không gian ngầm; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu bản đồ công trình ngầm. Đồng thời, rà soát chỉnh sửa lại quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm, xây dựng CSDL bản đồ công trình ngầm trong phạm vi quản lý. Tuy hiện nay năng lực của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý hồ sơ, tài liệu các công trình ngầm trên địa bàn còn nhiều bất cập, nhưng quy định nêu trên là cần thiết nhằm thống nhất quản lý tại “một đầu mối”, phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng các công trình ngầm trên địa bàn bảo đảm hiệu quả.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định chủ đầu tư khi triển khai xây dựng công trình ngầm phải tiến hành đồng thời đo đạc, thành lập bản đồ của công trình ngầm và chậm nhất 90 ngày sau khi hoàn thành xây dựng công trình ngầm phải nộp một bộ bản đồ số hiện trạng công trình ngầm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; riêng đối với công trình ngầm phục vụ khai thác khoáng sản trong nhiều năm thì định kỳ hàng năm phải nộp một bộ bản đồ số hiện trạng công trình cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như tại khoản 3 Điều 29 Dự thảo Luật.
Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu Báo cáo tại phiên họp
Xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia
Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là tập hợp các chính sách, thể chế, tiêu chuẩn, công nghệ, dữ liệu và nguồn lực nhằm chia sẻ và sử dụng hiệu quả dữ liệu không gian địa lý trên phạm vi cả nước. Việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là rất cần thiết nhằm cung cấp nguồn lực thông tin, trợ giúp trực tiếp vào việc xây dựng chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước, phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh; phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí; thuận lợi cho cung cấp các dịch vụ công.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung nội dung quy định có tính nguyên tắc về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, quy định rõ hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia phải bảo đảm dữ liệu không gian địa lý được chuẩn hóa, tập hợp đầy đủ từ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân và được cập nhật thường xuyên; quy định cụ thể, rõ ràng nội dung xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và trách nhiệm chỉ đạo, điều phối xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia của Thủ tướng Chính phủ; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; bổ sung quy định cụ thể về dữ liệu chuyên ngành của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia gồm các dữ liệu cơ bản. Đồng thời, Dự thảo luật cũng đã bổ sung chỉnh sửa quy định về cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Dự thảo Luật cũng đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về bố cục, văn phong, kỹ thuật văn bản; chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung giải thích từ ngữ, chính sách của nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 09 chương, 61 điều, giảm 02 điều so với Dự thảo Luật Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
+ Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án Luật.