ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG ĐỀ NGHỊ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC QUẢN LÝ ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI DANH MỤC GIỐNG VẬT NUÔI

01/06/2018

Sáng 01/6, tại Phiên họp toàn thể ở hội trường, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Chăn nuôi. Trong đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị quy định rõ ràng việc quản lý đối với từng loại danh mục giống vật nuôi, nhất là đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn.

Chủ nhiệm Ủy ban Thẩm tra Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo

Quy định cụ thể, rõ ràng việc quản lý từng loại danh mục giống vật nuôi

Theo Tờ trình của Chính phủ, Mục 2, Chương II của Dự thảo Luật quy định về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, trong đó có quy định về nguyên tắc quản lý chất lượng giống vật nuôi; danh mục giống vật nuôi; công bố tiêu chuẩn chất lượng giống vật nuôi; xuất bán giống vật nuôi; quy định về nhãn giống vật nuôi, quảng cáo giống vật nuôi theo tinh thần của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá năm 2007, Luật Quảng cáo...

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc quản lý giống vật nuôi theo 03 danh mục giống vật nuôi như trong Dự thảo Luật là cần thiết và phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đồng thời đáp ứng quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và tiếp thu một số ý kiến sau: Quy định cụ thể, rõ ràng việc quản lý đối với từng loại danh mục giống vật nuôi, nhất là đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn; Rà soát lại các căn cứ, thẩm quyền ban hành 03 danh mục nêu trên; bổ sung quy định định kỳ cập nhật các danh mục này cho phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật có liên quan; Quy định quản lý giống vật nuôi theo phẩm cấp khác nhau để bảo đảm cung cấp con giống đạt chuẩn và chất lượng; Quy định rõ hơn việc quản lý giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam,  giống vật nuôi nhập khẩu để giữ gìn nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống, tiếp cận được những nguồn gen của các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhập khẩu từ nước ngoài; Quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi; Khuyến khích việc xuất khẩu, chuyển giao giống vật nuôi từ Việt Nam ra nước ngoài cho phù hợp với tinh thần của Luật Chuyển giao công nghệ.

Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu tại phiên làm việc

Nhất trí việc cần phải khảo nghiệm giống vật nuôi mới

Mục 4, Chương II của dự thảo Luật quy định về khảo nghiệm, công nhận giống vật nuôi mới. Nội dung này được biên tập theo hướng giảm rõ nét các trường hợp phải khảo nghiệm, xã hội hóa khảo nghiệm. Dự thảo cũng không quy định về hoạt động kiểm định vì đó là hoạt động của doanh nghiệp, không cần điều chỉnh bởi pháp luật.

Ủy ban thẩm tra nhất trí với việc cần phải khảo nghiệm giống vật nuôi mới trước khi đưa vào sản xuất và kinh doanh. Để tạo điều kiện đưa nhanh  tiến bộ kỹ thuật trong nước và thế giới trong lĩnh vực giống vật nuôi vào sản xuất, kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp thì nên giao tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi tự khảo nghiệm theo các nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng giống do mình tạo ra; đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm về vấn đề này.

Ủy ban thẩm tra cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định về khảo nghiệm giống vật nuôi đang trong quá trình nghiên cứu cùng với việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhưng đã được sử dụng trong thực tế; giống vật nuôi mới được tạo ra từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được đánh giá, nghiệm thu đạt kết quả tốt; quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có giống vật nuôi mới được công nhận.

Hồ Hương