ĐỀ XUẤT CÓ CHÍNH SÁCH ĐẶC BIỆT THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO CÁC NHÀ KHOA HỌC TRONG ĐIỀU CHẾ, SẢN XUẤT SẢN PHẨM Y DƯỢC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

17/12/2021

Chiều ngày 17/12, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thực hiện chính sách, pháp luật về nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong Phòng, chống và thích ứng với Covid-19".

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh: Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng. Trên thế giới, đến nay ghi nhận tổng số hơn 263 triệu ca, trong đó hơn 5,2 triệu ca tử vong do Covid-19. Biến thể Delta và gần đây nhất là biến thể mới của SARS-CoV-2, B.1.1.529, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên biến thể B.1.1.529 là Omicron. Biến thể mới này lần đầu tiên được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm được thu thập ngày 11/11/2021 tại Botswana và ngày 14/11/2021 tại Nam Phi. 


Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã lan ra 63/63 tỉnh, thành phố. Đợt dịch thứ tư gia tăng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp, khó lường, kéo dài, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Trước bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19, WHO và nhiều nước trên thế giới đã xác định việc tiêm vaccine an toàn, có hiệu quả miễn dịch tốt với tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine đủ lớn trong cộng đồng là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống dịch, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người và ngăn chặn sự lây lan, bùng phát của dịch. Nhiều chương trình hợp tác toàn cầu, nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng, chống dịch Covid-19 đã được nhiều quốc gia tích cực, khẩn trương triển khai.

Nhận thức vai trò rất quan trọng của vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp đã và đang khẩn trương triển khai Chiến lược vaccine phòng, chống dịch Covid -19; tập trung thúc đẩy hoạt động đàm phán mua vaccine từ các nguồn trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước bảo đảm an toàn, hiệu quả nhất, nhanh nhất. Ngoài việc tập trung vào việc tìm nguồn cung cấp vaccine, các Viện, trường và doanh nghiệp trong nước cũng tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, điều chế thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều hỗ trợ điều trị Covid-19 (trong đó có thuốc cổ truyền), trang thiết bị và sinh phẩm y tế được Đảng, Nhà nước chú trọng, đặc biệt quan tâm, là một nhiệm vụ trọng tâm của khoa học, công nghệ nước ta trong thời gian tới. Bên cạnh đó, vai trò của công nghệ và dữ liệu khoa học trong xây dựng, triển khai các biện pháp phòng, chống và thích ứng với Covid -19 ngày càng được khẳng định trong thực tiễn, cần phải tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng.

Chính vì vậy, các cơ quan cần làm rõ việc thực hiện chính sách, pháp luật về nghiên cứu, phát triển, chuyên giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị Covid -19 (trong đó có thuốc cổ truyền); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về nghiên cứu, phát triển, chuyên giao công nghệ, sản xuất trang thiết bị và sinh phẩm y tế; Vai trò của công nghệ và dữ liệu khoa học trong xây dựng, triển khai các biện pháp phòng, chống và thích ứng với Covid -19.

Hội thảo là hoạt động thiết thực góp phần quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống dịch Covid -19 nói chung và việc thực hiện chính sách, pháp luật và giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị, trang thiết bị và sinh thẩm y tế cũng như vai trò của công nghệ và dữ liệu khai các biện pháp phòng, chống và thích ứng với Covid -19.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho rằng, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019 và nhanh chóng bùng phát thành đại dịch trên phạm vi toàn thế giới. Gần 2 năm qua, cả thế giới đã bị đại dịch uy hiếp, cả về sức khỏe, tính mạng và cuộc sống. 

Tại Việt Nam, trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã không chỉ tổn thất về sức khỏe, tính mạng mà còn tàn phá mọi mặt của nền kinh tế như lao động, việc làm, y tế, giáo dục, đặc biệt tác động đến nhóm yếu thế trong xã hội như người cao tuổi, trẻ em nghèo, người di cư, lao động giản đơn...

Với quan điểm sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhằm chung tay đẩy lùi đại dịch. Các nhà khoa học Việt Nam, các nhà khoa học trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam luôn tích cực đồng hành với Chính phủ, thường xuyên bám sát tình hình dịch bệnh để nghiên cứu, ứng dụng cho ra đời các sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19.

Các nhà khoa học trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng đang tích cực tham gia trong việc nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phòng chống Covid như nghiên chế tạo thuốc đặc trị điều trị Covid-19, nghiên cứu, chế tạo hệ thống khử khuẩn diệt virus công nghệ Plasma; nghiên cứu, sản xuất thuốc và các thiết bị điều trị Covid-19, triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Trong thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động để lắng nghe các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình nghiên họ cứu. Từ đó, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Các ý kiến, đề xuất sẽ được chuyển tải tới Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các cơ quan liên quan để đề xuất việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân các khoa học nghiên cứu, triển khai thúc đẩy việc sớm có những sản phẩm phòng chống Covid-19 hữu hiệu.


Các nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi cần có những nghiên cứu, phát triển sản phẩm một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm luôn phải tuân thủ tất cả các quy định, quy trình khắt khe trong lĩnh vực y dược. Do vậy, việc nghiên cứu, triển khai gặp khó khăn nhất định.

Nhiều tổ chức công lập hoặc cá nhân nhà khoa học chưa được tiếp cận với các nguồn lực để tổ chức nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ, góp phần vào công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19. Mặc dù theo quy định, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí đối với các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong ngành y tế đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, có độ rủi ro cao, nhiều khi vượt quá năng lực tài chính của các nhà sản xuất trong nước. Đồng thời, chưa có các quy định về định mức từ ngân sách nhà nước để chi thù lao, mua bảo hiểm cho người tham gia thử nghiệm lâm sàng; chi cho hoạt động giám sát bảo đảm chất lượng nghiên cứu... Do vậy, các cơ sở nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, triển khai.

Để thực sự làm chủ tình hình và chủ động phòng chống thành công đại dịch Covid-19, các nhà khoa học cần có đầy đủ thông tin về sinh học, sinh học phân tử, dịch tễ học và đặc biệt là cơ sở khoa học của các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh bằng vaccine và hỗ trợ điều trị bằng các loại thuốc, các loại sinh phẩm đặc hiệu. Hệ thống nghiên cứu và phát triển của nước ta trong thời gian 20 năm vừa qua đã được tăng cường, nâng cấp và xây dựng mới. Tuy nhiên, chưa có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các cơ quan nghiên cứu và nhà sản xuất. Do vậy, đến nay, chưa có nhiều sản phẩm được công nhận trên thị trường để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế chưa thực sự đồng bộ với cơ chế, chính sách về tài chính cũng là những bất cập trong quá trình nghiên cứu, triển khai. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách liên quan đến khuyến khích phát triển y học cổ truyền vẫn còn thiếu và không đồng bộ, dẫn đến chưa khuyến khích được các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển các sản phẩm y học cổ truyền phục vụ cho việc điều trị và hỗ trợ điều trị Covid-19.

Trước những khó khăn trên, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 như: rà soát lại các cơ chế, chính sách; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà khoa học phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phòng, chống Covid-19...

Thạc sĩ Bùi Kim Tuyến - Trưởng Ban Tư vấn, phản biện & giám định xã hội đề nghị các cơ quan của Đảng, Nhà nước tin tưởng hơn nữa vào các kết quả nghiên cứu của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, có các giải pháp thúc đẩy cho ra đời sớm các sản phẩm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu thành công các loại thuốc, các sản phẩm dự phòng và điều trị Covid-19, trước tiên để sử dụng cho người Việt Nam và tiến tới xuất khẩu ra thế giới. Đề nghị các Bộ, ngành có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà khoa học và công nghệ nghiên cứu phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phòng, chống Covid-19 như: Tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước, nghiên cứu thuốc và phác đồ điều trị mới; phát triển các sản phẩm phòng và điều trị Covid-19 là những kết quả nghiên cứu các sản phẩm đông y, đông-tây y kết hợp vốn là thế mạnh của y học cổ truyền Việt Nam.

Trong bối cảnh cấp bách chống dịch Covid-19 hiện nay, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực nghiên cứu, đặc biệt là nguồn lực kinh phí, đề nghị Nhà nước có chính sách đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn cho các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, kể cả các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để giúp các sản phẩm của các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam sớm phát huy được hiệu quả trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Thạc sĩ Bùi Kim Tuyến cũng đề nghị Nhà nước xem xét, rà soát lại các cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến lĩnh vực y dược, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời khuyến khích việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực đông y và y học cổ truyền, là những thế mạnh của Việt Nam, góp phần vào hỗ trợ điều trị Covid-19. Bên cạnh đó là tăng cường và huy động sự tham gia của các tổ chức khoa học ngoài công lập, các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học ngoài hệ thống công lập, hoạt động trong lĩnh vực y tế tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.


Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các  chuyên gia, nhà khoa học và cho biết đây là những đóng góp vô cùng quý giá, hữu ích để nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong phòng, chống và thích ứng với Covid-19.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cũng cho biết, Ban tổ chức sẽ tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe các đề xuất để có những kiến nghị về chính sách và pháp luật gửi tới các cấp thẩm quyền nhằm đưa những quyết sách phù hợp, kịp thời nhất, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học trong nghiên cứu, điều chế sản phẩm y dược, vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong xã hội./.

Bích Lan - Minh Thành