PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KHCN&MT TẠ ĐÌNH THI LÀM VIỆC VỚI ĐẠI SỨ QUÁN AUSTRALIA TẠI VIỆT NAM
CHỦ NHIỆM ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LÊ QUANG HUY LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN NGHỊ SỸ HẠ VIỆN HOA KỲ
Tham dự Hội thảo có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và các thành viên của Ủy ban; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cùng một số đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số Bộ ngành liên quan.
Về phía Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (MCRP-GIZ) có ông Oemar Idoe - Phó Giám đốc Tổ chức GIZ tại Việt Nam; ông Christoph Klinnert- Giám đốc Dự án MCRP- GIZ.
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Biến đổi khí hậu cũng đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới, đòi hỏi sự chung tay và nỗ lực của mọi quốc gia trong việc đề ra các hành động khẩn trương và mạnh mẽ để tăng khả năng chống chịu và ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường.
Các kết quả của Hội nghị COP26, COP27, đặc biệt là các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 trong các hoạt động ứng phó với BĐKH, nhất là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 càng cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng đối với vấn đề này.
Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc thực hiện kịp thời các cam kết về biến đổi khí hậu sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội Việt Nam luôn chú trọng việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, phát luật về ứng phó với BĐKH. Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan của Quốc hội được phân công phụ trách và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chủ trì, phối hợp thẩm tra, giám sát, kiến nghị thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Hội thảo cũng là một trong số các hoạt động hợp tác tiếp nối giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và MCRP-GIZ.
Trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban đánh giá cao sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới nói chung và GIZ nói riêng trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tham vấn chuyên gia nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và huy động nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Ông Christoph Klinnert- Giám đốc Dự án MCRP-GIZ đề cập về việc tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH tại Việt Nam
Đề cập về việc tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH tại Việt Nam, các hoạt động và khuyến nghị từ phía GIZ, ông Christoph Klinnert- Giám đốc Dự án MCRP-GIZ cho biết: Trong những năm qua, Tổ chức MCRP-GIZ đã phối hợp, hỗ trợ Việt Nam thực hiện Lồng ghép phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó là lập Quy hoạch thoát nước và chống ngập úng đô thị cho 3 thành phố ĐBSCL có tính đến tác động của BĐKH: TP Long Xuyên, Rạch Giá và Cà Mau.
Chia sẻ về phương thức tiếp cận Thích ứng với BĐKH, theo ông Christoph Klinnert cho biết, Tổ chức MCRP-GIZ đã và sẽ cùng với Việt Nam triển khai tốt hơn nữa Công nghệ đổi mới sáng tạo, phòng chống xói lở bờ biển và bờ sông; Lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư thích ứng với BĐKH; Thúc đẩy các mô hình đổi mới sáng tạo và thông minh thích ứng với khí hậu để canh tác nông nghiệp bền vững; Thí điểm các cách tiếp cận thuận thiên, thoát nước và chống ngập đô thị dựa vào hệ sinh thái, thích ứng với khí hậu trong quy hoạch và phát triển đô thị
Mặt khác, Tổ chức MCRP-GIZ cũng sẽ cùng Việt Nam lập kế hoạch phòng chống thiên tai, lồng ghép phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có sự phối hợp trong vùng; Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.
Xem xét xây dựng Luật Biến đổi khí hậu vào thời điểm thích hợp
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Tình hình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH ở Việt Nam; Việc thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Đánh giá kết quả chủ yếu đạt được; Khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị; Hiệu quả các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; Đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả việc thực hiện pháp luật về ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Đề cập về tình hình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam; nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Minh- Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thực tế trên đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn. Tính dễ tổn thương của Việt Nam gia tăng do Việt Nam chịu nhiều rủi ro thiên tai, do vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế và các vùng đồng bằng và ven biển với mật độ dân cư cao cũng như các nhóm dân cư là người dân tộc thiểu số tại các vùng cao và hẻo lánh. Nhiệt độ tăng, hạn hán và lũ lụt ngày càng trầm trọng, mực nước biển dâng và tần suất xuất hiện và cường độ bão tăng đe dọa tới an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, để vượt qua những thách thức từ BĐKH trong nước cũng như tham gia vào nỗ lực chung toàn cầu về ứng phó với BĐKH, Chính phủ Việt Nam đã ký Công ước khí hậu năm 1992, phê chuẩn năm 1994; ký Nghị định thư Kyoto năm 1998, phê chuẩn năm 2002; phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH năm 2016.
Triển khai quy định quốc tế và tích cực chủ động ứng phó với BĐKH, trong thời gian qua, hàng loạt các chính sách về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh nêu quan điểm tại Hội thảo.
Đề cập về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Minh cho biết, từ năm 2021 trở đi, thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trở thành trách nhiệm bắt buộc chung của tất cả các nước tham gia Thỏa thuận Paris trong đó có Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đòi hỏi hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách được hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới cần được thực hiện, bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về BĐKH trong đó xem xét xây dựng Luật Biến đổi khí hậu vào thời điểm thích hợp sau khi xác định đầy đủ cơ sở lý luật, thực tiễn và đánh giá tác động của chính sách; các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các cấp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phù hợp với các mục tiêu thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính. Định hướng hạn chế các ngành sử dụng nhiều năng lượng trong khi tạo giá trị GDP thấp, không định hướng xuất khẩu các sản phẩm tiêu hao nhiều năng lượng; Khuyến khích các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng; Hạn chế khai thác và xuất khẩu gỗ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành trong ứng phó với BĐKH; cơ chế thực hiện trách nhiệm nêu gương đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong ứng phó với BĐKH. Hoàn thiện các quy định về thích ứng với BĐKH; Tăng cường giám sát và đánh giá kết quả, hiệu quả thích ứng với BĐKH; Thiết lập, vận hành hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia, cấp ngành và cấp tỉnh đối với các hoạt động thích ứng với BĐKH. Thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro khí hậu.
Việt Nam cũng cần lưu ý tới xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu, xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH, đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với BĐKH; Lồng ghép bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thanh thiếu niên trong các chương trình thích ứng BĐKH.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Mặt khác, Việt Nam cần thực hiện tích hợp các yêu cầu về thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính vào quy hoạch đô thị nhằm giảm nhu cầu năng lượng, tài nguyên và giúp các thành phố thích ứng với BĐKH. Xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất, lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch; kế hoạch thực hiện Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch than sang năng lượng sạch; hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, Việt Nam cần chú trọng tới xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư giảm phát thải trong các lĩnh vực; các chính sách thương mại và phát triển thúc đẩy phát triển bền vững; sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững và không làm mất rừng và suy thoái rừng; nông nghiệp bền vững, thúc đẩy an ninh lương thực và tránh gây hại cho môi trường. Hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật về giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính, hệ thống “đo đạc, báo cáo, thẩm định” (MRV) hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành và cấp cơ sở.
Thể chế hóa mô hình phát triển các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn; Áp dụng hiệu quả các công cụ định giá các-bon, bao gồm thuế các-bon, sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trong nước, kết nối thị trường các-bon trong nước với thị trường khu vực và thế giới cũng là những vấn đề cần được Việt Nam quan tâm hơn trong thời gian tới.
TS.Nguyễn Đăng Mậu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Đồng thuận với quan điểm trên, kiến nghị cho việc hoàn thiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, TS.Nguyễn Đăng Mậu- Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Việc ban hành luật về BĐKH của quốc gia phát triển và đang phát triển có sự khác nhau. Các quốc gia phát triển với cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính, việc ban hành Luật là điều cần thiết để đảm bảo hành lang pháp lý cho việc triển khai hành động nhằm đạt được mục tiêu và cam kết đã đề ra. Với các quốc gia đang phát triển, vấn đề cắt giảm khí nhà kính là không bắt buộc, nhưng với nhìn nhận BĐKH là cơ hội để chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, nên nhiều quốc gia cũng đã sớm ban hành Luật. Sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cho đến nay, hầu hết các quốc gia đã cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nên vấn đề xây dựng văn bản luật về BĐKH đã trở thành một xu thế tất yếu. Các thỏa thuận quốc tế được xem là văn bản luật quốc tế, ràng buộc các quốc gia tham gia thực hiện, với các ràng buộc quốc tế ngày càng khắt khe hơn trong việc đảm bảo cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Theo TS. Nguyễn Đăng Mậu, ở Việt Nam, hoạt động ứng phó với BĐKH là rất rộng, từ Chiến lược, kế hoạch đến Chương trình, dự án, từ Trung ương đến địa phương. Việc đánh giá tổng thể và đầy đủ các hoạt động ứng phó với BĐKH cần được triển khai một cách bài bản gồm: Đánh giá thực trạng thực hiện Chiến lược, kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế của Việt Nam; Đánh giá thực trạng thực hiện Chương trình, dự án ứng phó với BĐKH. Việc rà soát và đánh giá tổng hợp công tác ứng phó với BĐKH cần làm rõ được về kết quả, tồn tại, hạn chế và khoảng trống; đánh giá cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực và địa phương; Đề xuất được các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo; đồng thời việc hoàn thiện thể chế cũng cần tiếp tục được nâng lên một bước.
Căn cứ thực trạng và yêu cầu trong thời gian tới, một số vấn đề hoàn thiện thế chế về BĐKH cần được quan tâm như sau: Sớm nghiên cứu, xây dựng Luật Biến đổi khí hậu làm căn cứ pháp lý cao nhất cho tổ chức mọi hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Tốt nhất là hoàn thành vào năm 2025 để có cơ sở pháp lý cho thực hiện giai đoạn bắt đầu từ năm 2026. Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư giảm phát thải trong các lĩnh vực; các chính sách thương mại và phát triển thúc đẩy phát triển bền vững; sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững, không làm mất rừng và suy thoái rừng; nông nghiệp bền vững, thúc đẩy an ninh lương thực và tránh gây hại cho môi trường.
Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, thể chế cũng như tiếp tục nâng cao năng lực để quản lý tốt hơn và thực hiện các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, cần tăng cường năng lực theo dõi tiến trình thực hiện NDC theo quy định của Khung tăng cường minh bạch (ETF); tiến tới xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định hoạt động giảm phát thải khí nhà kính quốc gia (MRV) theo ETF của Thoả thuận Paris để theo dõi quá trình thực hiện NDC hướng tới đáp ứng việc trao đổi những kết quả giảm nhẹ trên thị trường quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu còn cho ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng và các lĩnh vực khác chịu ảnh hưởng lớn từ BĐKH; Đánh giá việc thực thi chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2021 ở một số Bộ, ngành địa phương và đưa ra các đề xuất, kiến nghị khả thi, hiệu quả; Tác động của BĐKH tới phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam; Những khó khăn thách thức đặt ra và kiến nghị việc hoàn thiện chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH, các giải pháp trong một số lĩnh vực ở địa phương, đặc biệt là các giải pháp ứng phó với BĐKH trong thực hiện quy hoạch phát triển tại các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục tập trung thảo luận vào các nội dung, nhóm vấn đề: Tình hình thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực nông nghiệp; kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; Việc triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030” và giải pháp cho khu vực ĐBSCL; Đánh giá việc thực thi chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020 ở một số Bộ, ngành và đề xuất kiến nghị.../.