CHỦ NHIỆM ỦY BAN KH, CN & MT LÊ QUANG HUY: NỖ LỰC TRONG CÔNG TÁC LẬP PHÁP, ĐỐI NGOẠI GÓP PHẦN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Những tháng đầu năm 2022, mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ động nghiên cứu, điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức, tiến hành các hoạt động giám sát bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Về cơ bản, các hoạt động giám sát của Ủy ban được triển khai tuân thủ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, bảo đảm sự điều hòa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc xây dựng Chương trình giám sát của Ủy ban năm 2022 đã giúp cho Ủy ban hoàn toàn chủ động trong tổ chức thực hiện chương trình giám sát, khảo sát cụ thể của Ủy ban. Các nội dung giám sát, khảo sát tập trung vào những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn; chú trọng giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thực hiện các kiến nghị giám sát.
Các hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban đã được tổ chức thực hiện tốt, đúng nguyên tắc, bảo đảm hiệu quả. Các đoàn giám sát được tổ chức đúng thành phần, tiết kiệm, không hình thức, phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19. Các báo cáo giám sát có chiều sâu, huy động được sự tham gia tích cực, phát huy vai trò của các chuyên gia bên ngoài cơ quan, các thành viên Ủy ban dưới nhiều hình thức khác nhau, góp phần nâng cao chất lượng báo cáo giám sát, báo cáo thẩm tra và tham gia thẩm tra của Ủy ban.
Nhân dịp Năm mới 2023, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã có những chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về kết quả, kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của Ủy ban trong năm 2022 và công tác chuẩn bị cho hoạt động giám sát chuyên đề về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Phóng viên: Trong năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ đã tạo được dấu ấn và được đánh giá là có nhiều điểm mới trong hoạt động giám sát. Chủ nhiệm có thể chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của Ủy ban?
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã triển khai các hoạt động giám sát và khảo sát bao phủ ở các lĩnh vực hoạt động của Ủy ban, từ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, giao thông, công thương… Trong đó, có thể nêu 02 hoạt động mà giám sát có kết quả, hiệu quả rõ rệt.
Ủy ban đã triển khai giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đường Hồ Chí Minh. Đây là dự án, công trình quan trọng quốc gia đã được triển khai qua 4 nhiệm kỳ Quốc hội. Tuy nhiên, việc triển khai dự án quan trọng quốc gia này chưa đạt được yêu cầu. Nhận diện được những hạn chế đó, Ủy ban đã tổ chức giám sát và báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị đưa vấn đề vào chương trình kỳ họp để Quốc hội xem xét, thảo luận. Sau khi xem xét, Quốc hội đã đưa nội dung về dự án đường Hồ Chí Minh vào Nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương liên quan bố trí nguồn lực, kinh phí tổ chức triển khai để đến năm 2025 cơ bản thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến những vướng mắc trong nội dung chi và quản lý quỹ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp. Đây là nội dung rất cần thiết, hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng nguồn lực tương đối lớn để doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ sau đại dịch Covid-19. Kết quả là Bộ Tài chính, Bộ Khoa học, Công nghệ đã ban hành Thông tư có liên quan về vấn đề này, giúp tháo gỡ cơ bản vấn đề nêu trên.
Điều này cũng đã làm rõ thêm nhiệm vụ trọng tâm giám sát chính sách, pháp luật về cơ chế đầu tư, tài chính đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, đây là một điểm nhấn mà trong thời gian tới cần tiếp tục mở rộng hơn để khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong những động lực nền tảng đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững.
Kết quả giám sát nói trên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã góp phần củng cố niềm tin của cử tri cũng như các đại biểu Quốc hội đối với hoạt động của Ủy ban. Bên cạnh đó, Ủy ban còn triển khai Phiên giải trình về chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải ở đô thị, nông thôn được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Phiên giải trình nhằm làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và Ủy ban đã ban hành Kết luận của Phiên giải trình. Căn cứ vào Kết luận này, Ủy ban cũng kỳ vọng trong thời gian tới, nếu các Bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ kết luận thì sẽ góp phần đáng kể vào giảm ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, khu vực nông thôn.
Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh làm Trưởng đoàn khảo sát và làm việc với tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Ngoài ra, trong năm 2022, Ủy ban còn triển khai một số nội dung giám sát ở nhiều lĩnh vực khác liên quan đến vấn đề tài chính trong khoa học, công nghệ; quản lý nuôi, chế biến thủy sản, kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, trong đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với khai thác, đánh bắt thủy sản…
Phóng viên: Năm 2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”. Chủ nhiệm có thể cho biết, công tác chuẩn bị cho hoạt động này được thực hiện như thế nào để không chỉ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà còn nâng cao hiệu quả giám sát, đáp ứng yêu cầu đổi mới mà Quốc hội khóa XV đề ra?
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban trong năm 2023 là tham mưu giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”. Qua hoạt động giám sát nói chung nhiều nhiệm kỳ, chúng tôi thấy có một số bài học chung rất bổ ích và thiết thực để sau đó vận dụng vào những nhiệm vụ giám sát cụ thể.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo "Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Giải pháp hoàn thiện".
Trước tiên là các xác định nội dung trong chuyên đề giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng, trúng yêu cầu đặt ra. Ví dụ như Ủy ban xác định một số vấn đề đang được cử tri, xã hội quan tâm như đầu tư phát triển, an ninh, cung cầu về năng lượng, quy hoạch tổng thể về phát triển năng lượng hoặc các quy hoạch phân ngành như quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch than, quy hoạch dầu khí, chuyển dịch năng lượng, khoa học công nghệ trong chuyển dịch năng lượng, bảo vệ môi trường, thị trường năng lượng, cơ chế đầu tư, tài chính, giá điện...
Tiếp theo đó là xây dựng đề cương, chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra; phân công rõ ràng trách nhiệm của thành viên đoàn giám sát, Tổ giúp việc. Sau khi đã xây dựng được chương trình, kế hoạch, Ủy ban xây dựng khung báo cáo với trọng tâm là đề xuất, kiến nghị cụ thể, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các văn bản này đã được xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trưởng đoàn, thành viên đoàn giám sát, hoàn thiện, ban hành kịp thời. Kết quả chuẩn bị của Ủy ban được đánh giá cao.
Các đại biểu tham dự Hội thảo về “Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2021 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (MCRP-GIZ) tổ chức.
Để đáp ứng yêu cầu nói trên, Ủy ban phải đã chủ động thu thập, nghiên cứu các tài liệu có liên quan, mời các chuyên gia, phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, các cơ quan hữu quan tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để cung cấp thêm thông tin, nhận diện được những vấn đề cốt lõi. Theo kế hoạch, đến tháng 9/2023, Đoàn giám sát phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát.
Phóng viên: Chủ nhiệm có thể chia sẻ về kinh nghiệm triển khai hiệu quả, chất lượng các chương trình, chuyên đề giám sát từ việc triển khai các hoạt động khảo sát, giám sát ở các địa phương mà Ủy ban đã và đang thực hiện?
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Để triển khai hiệu quả chương trình, chuyên đề giám sát, Ủy ban nhận thấy thông tin “đầu vào” đóng vai trò quan trọng để quyết định lựa chọn những vấn đề, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Quán triệt tinh thần đó, Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kết nối thông tin dữ liệu. Thông qua đó, Ủy ban sẽ có thêm bằng chứng hoặc nhận biết thêm những nội dung có thể triển khai sâu sát hơn. Ngoài ra, Ủy ban cũng phối hợp với các địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân trong việc tiếp cận với thông tin, số liệu cụ thể.
Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khảo sát Khu xử lý chất thải Quang Trung, Xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Hoạt động khảo sát trước khi đi giám sát tại các cơ sở, địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng. Ủy ban thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội không tổ chức các đoàn giám sát một cách phô trương, lãng phí. Trước khi tổ chức các hoạt động giám sát, Ủy ban cũng tổ chức hoạt động khảo sát và việc tổ chức giám sát tại cơ sở, địa phương chỉ tiến hành khi thực sự thấy cần thiết, khi nhận thấy các nội dung trong báo cáo chưa có hoặc chưa rõ.
Trong quá trình giám sát, cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các thành viên đoàn giám sát, các cơ quan hữu quan; các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội trong việc phối hợp thực hiện. Hiện nay, Ủy ban đang dự kiến phối hợp để tập huấn cho các thành viên của Đoàn giám sát. Với nội dung, phạm vi lớn thì các thành viên sẽ được phân công triển khai từng nhóm vấn đề. Trước khi làm việc với các cơ quan, địa phương theo từng nhóm, Đoàn giám sát cần thống nhất về phương pháp tiếp cận vấn đề, khung và nội dung báo cáo. Đây một vài kinh nghiệm để triển khai có hiệu quả, có chất lượng các chương trình giám sát mà Ủy ban đã và đang thực hiện.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm và chúc cho việc triển khai hoạt động giám sát của Ủy ban trong thời gian tới đạt được yêu cầu, chất lượng đề ra; đáp ứng được mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước!