DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG SỞ HỮU HẠ TẦNG DÙNG CHUNG THAY ĐỔI ĐƠN GIÁ CHO THUÊ CẦN PHẢI ĐƯỢC SỰ PHÊ DUYỆT CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) bao gồm 11 chương trình, 79 điều sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Hiện nay, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật là Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học trước khi trình Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến.
Một trong những điểm mới, được các doanh nghiệp viễn thông cho ý kiến là các chính sách về quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông qua vệ tinh cần được khuyến khích và theo xu thế phát triển chung của thế giới.
Bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi).
Đóng góp vào nội dung trên, bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) nhấn mạnh: Trong bối cảnh đường truyền cáp quang biển thường xuyên gặp sự cố và việc sửa chữa, khôi phục tốn kém, mất thời gian thì việc phát triển thêm các hình thức kết nối Internet qua vệ tinh là một giải pháp phù hợp để đảm bảo giữ kết nối Internet ổn định, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các tuyến cáp quang biển; đồng thời đa dạng kết nối Internet quốc tế cho những nhóm người dùng khác nhau. Ngoài ra, kết nối Internet qua vệ tinh có thể được sử dụng để cung cấp kết nối Internet cho các địa điểm ở vùng xa và khó tiếp cận như vùng miền núi, hải đảo.
Bà Nguyễn Việt Hà khẳng định: Việc cung cấp dịch vụ Internet qua vệ tinh đang là một xu thế được triển khai trên thế giới, giúp phủ sóng để cung cấp đường truyền băng rộng với tới tất cả mọi vùng trên toàn cầu. Các chính sách, quy định về việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua vệ tinh (tại điều 22-cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới) cần được xây dựng theo hướng khuyến khích, thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ Internet qua vệ tinh để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi và phát triển các hệ thống công nghệ mới này, trong khi người dùng Việt Nam sẽ có thêm dịch vụ mới và thị trường Việt Nam sẽ tăng tính cạnh tranh.
Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN.
Đồng thuận với các chính sách về quản lý, phát triển dịch vụ viễn thông qua vệ tinh cần được khuyến khích và theo xu thế phát triển chung của thế giới, ông Vũ Tú Thành- Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN khẳng định: Việc cung cấp dịch vụ Internet qua vệ tinh đang là một xu thế được triển khai trên thế giới, giúp phủ sóng để cung cấp đường truyền băng rộng với tới tất cả mọi vùng trên toàn cầu. Đây là một lựa chọn bổ sung để cung cấp kết nối Internet giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các tuyến cáp quang biển, đồng thời đa dạng kết nối Internet quốc tế cho những nhóm người dùng khác nhau.
Trong tương lai sẽ còn có nhiều loại công nghệ và dịch vụ viễn thông qua biên giới được phát triển, đem lại nhiều lựa chọn cho người dùng để đáp ứng tối đa nhu cầu kết nối và liên lạc. Do vậy, ông Vũ Tú Thành khuyến nghị khoản 2 Điều 22 của Luật Viễn thông (sửa đổi) nên được sửa đổi để cho phép các dịch vụ Internet vệ tinh xuyên biên giới có thêm lựa chọn được lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc hoặc ký kết hợp đồng thương mại. Sửa đổi này sẽ vẫn đảm bảo khả năng quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với việc cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.
Trước những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội viễn thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội để hoàn thiện dự thảo Luật. Về phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục nghiên cứu thêm về các điều khoản, luật pháp quốc tế để dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) tương thích được với pháp luật quốc tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cũng cho biết, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng sẽ được Ủy ban thẩm tra sơ bộ trước khi trình lên Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới./.