ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG” HỌP TRIỂN KHAI CÔNG TÁC GIÁM SÁT TẠI TỈNH BÌNH THUẬN
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu
Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4 Đoàn Văn Vũ cho biết, Nhà máy có công suất 48 MWp (44 MWac), được xây dựng trên vùng đất hoang hóa, khô cằn, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với diện tích đất 57,6 ha và tổng số vốn đầu tư 1.176 tỷ đồng, vận hành thương mại ngày 4.6.2019. Là dự án năng lượng sạch, có thiết kế tiên tiến, thân thiện với môi trường, không phát thải khí nhà kính, không gây ra chất gây ô nhiễm môi trường, sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải phát biểu tại cuộc làm việc
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4
Dự án Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4 cung cấp sản lượng điện hàng năm khoảng 92 - 95 triệu KWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng cho 46.000 hộ gia đình, làm giảm phát thải CO2 ra môi trường 79.000 tấn/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26. Nhà máy đi vào vận hành thương mại không chỉ bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia, mà còn mang lại việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội của huyện Bắc Bình nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4
Tính đến tháng 3/2023, Nhà máy đã phát lên lưới 345 triệu KWh, doanh thu 748 tỷ đồng (trước thuế), nộp ngân sách nhà nước 145 tỷ đồng (tính đến thời điểm 31/3). Song song với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh điện năng, Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4 đã cùng với chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm cho công tác an sinh xã hội, như: mở lớp học hè miễn phí cho học sinh THCS xã Hồng Phong; xây dựng và đưa vào sử dụng khu vui chơi, giải trí cho cộng đồng; quyên góp, giúp đỡ các em học sinh nghèo học giỏi trên địa bàn; trao quà tết cho các hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách; tham gia hiến máu nhân đạo trên địa bàn khi có chương trình phát động...
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4
Tuy nhiên, theo đại diện Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4, do nằm trong khu vực dự trữ titan Quốc gia, nên nhà máy còn gặp khó khăn về thủ tục đất đai, dẫn đến dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục nghiệm thu đưa vào sử dụng, gây áp lực tâm lý trong quá trình vận hành khai thác, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và có tác động đến chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư của địa phương.
Nhà máy kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết, hỗ trợ về thủ tục đất đai do vướng quy hoạch titan tại địa phương. Sớm ban hành các Quyết định điều chỉnh quy hoạch titan phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, để tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các Nhà đầu tư tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ghi nhận Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4 đã tiếp cận, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng theo tinh thần dám nghĩ, dám làm và đạt được những kết quả bước đầu. Các kiến nghị, đề xuất của Nhà máy về những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan.