QUY HOẠCH ĐIỆN VIII: ƯU TIÊN TẬP TRUNG ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ GIẢI PHÁP, TRÁNH PHẢI NHẬP KHẨU RÒNG NĂNG LƯỢNG

15/05/2023

Tại Hội thảo ''Quy hoạch điện VIII – Những vấn đề đặt ra và giải pháp'' diễn ra chiều 15/5, nhiều đại biểu, chuyên gia nêu quan điểm: Việc thực hiện Quy hoạch điện VIII nên ưu tiên tập trung vào các giải pháp, vấn đề lớn và có thể cho cơ chế đặc thù để triển khai sơ đồ điện VIII trong từng giai đoạn, tránh phải nhập khẩu ròng năng lượng.

QUY HOẠCH ĐIỆN VIII - NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP

ĐỀ XUẤT PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ TRÊN BỜ, NGOÀI KHƠI VÀ NHIỆT ĐIỆN KHÍ TRONG NƯỚC

Chiều 15/5, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) – Những vấn đề đặt ra và giải pháp”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các Ủy viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Công Thương và một số Bộ ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học.

Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý

Đề cập về Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Sau khi Hội đồng thẩm định thông qua, Bộ Công Thương đã có các Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021, Tờ trình số 6277/TTr-BCT ngày 08/10/2021 và Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII.


Toàn cảnh Hội thảo.

Trên cơ sở các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 21/4/2023 và Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 23/4/2023, đề án Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh vào việc phát triển điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Bám sát các định hướng phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XIII và Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội. Đảm bảo nguyên tắc tối ưu tổng thể từ nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đến giá điện. Đảm bảo chi phí hệ thống điện thấp nhất, giá điện hợp lý nhất.

Quy hoạch điện VIII bảo đảm cơ cấu nguồn điện theo đúng chủ trương Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng. Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cho phát triển điện, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Bám sát tiến bộ của khoa học, công nghệ, ưu tiên khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch ở nước ta với giá thành sản xuất điện đang giảm nhanh, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và chuyển dịch năng lượng.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).

Quy hoạch điện VIII chú trọng phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro, amoniac...) là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp năng lượng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Quy hoạch điện VIII cũng đề cập tới phát triển thị trường điện cạnh tranh theo đúng lộ trình nhằm đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực trong đó có lưới điện truyền tải trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển các phân ngành điện lực; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành điện lực; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị ngành điện.

Ông Hoàng Tiến Dũng cũng cho biết, phát triển điện đi đôi với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và chuyển đổi mô hình kinh tế; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước. Quy hoạch phát triển điện mang tính động và mở, thích ứng với bối cảnh các đối tác lớn đang và sẽ thực thi các tiêu chuẩn khắt khe về đánh thuế các bon trong hàng hóa nhập khẩu. Quy hoạch phải bám sát sự phát triển của khoa học, công nghệ trên thế giới, sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ của quốc tế, quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Quy hoạch phát triển điện ngoài phục vụ trong nước còn hướng tới xuất khẩu điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới, nhất là xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Điều hành quy hoạch chủ động, linh hoạt, hiệu quả, bám sát thực tiễn triển khai để điều chỉnh và thay đổi khi cần thiết.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Mục tiêu phát triển điện lực nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đủ điện ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển đồng bộ các phân ngành điện lực đạt trình độ tiên tiến của khu vực. Xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ phục vụ ngành điện nhằm tăng cường nội lực, giảm giá thành; nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo.

Có thể cho cơ chế đặc thù để triển khai sơ đồ điện VIII trong từng giai đoạn cụ thể

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung: Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện và các Kịch bản phát triển nguồn điện; Việc bảo đảm tính đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện; Việc bảo đảm nguồn cung và giá cả nhiên liệu (than, khí, điện khí tự nhiên hóa lỏng, dầu…) và năng lực dự trữ, bảo đảm an ninh năng lượng trong thực hiện Quy hoạch; Nhu cầu sử dụng đất, hiệu quả kinh tế xã hội (có đề cập giá thành sản xuất và giá bán điện); Nhu cầu nguồn vốn và cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển; Chuyển dịch cơ cấu năng lượng, lộ trình, tính khả thi, phương án tích hợp năng lượng tái tạo; phát thải khí nhà kính; Những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án phát triển năng lượng trọng điểm và giải pháp tháo gỡ...

Ông Nguyễn Ngọc Trung- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương.

Đóng góp ý kiến về dự thảo Quy hoạch điện VIII, ông Nguyễn Ngọc Trung- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Quy hoạch điện VIII phải phù hợp với Quy hoạch Quốc gia, quy hoạch tỉnh, ngành và đảm bảo kinh tế môi trường. Quy hoạch nên tập trung vào các giải pháp, những vấn đề lớn trong bối cảnh mới. Ngoài ra, nguồn lực để thực hiện quy hoạch điện VIII cũng cần chú ý đến kêu gọi thêm khu vực kinh tế tư nhân tham gia. Ngoài ra, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII cần nhấn mạnh đến cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch một cách rõ ràng cũng như tăng cường tính độc lập, tự chủ của ngành Điện cũng như xem xét bổ sung về cường độ điện năng...

Nêu quan điểm về nội dung trên, TS.Võ Trí Thành- chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm: Cần xác định Quy hoạch điện VIII là quy hoạch đặc biệt, xây dựng trong bối cảnh mới nên khi phê duyệt quy hoạch cần chấp nhận sự thay đổi về tư duy, đặc biệt là chú trọng quá trình tổ chức thực thi. Để thực thi được cần có thể cho cơ chế đặc thù để triển khai sơ đồ điện VIII trong từng giai đoạn cụ thể, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thể thực hiện được mục tiêu đã xác định.

TS.Võ Trí Thành- chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Tạo điều kiện thực hiện các dự án điện và chú trọng đến nhu cầu và xu thế chuyển dịch năng lượng

Đề cập về phân bổ công suất trong phát triển điện gió, mặt trời và điện khí tự nhiên hóa lỏng khi thực hiện Quy hoạch điện VIII, ông Trần Anh Thái-nguyên Trưởng Ban Lưới điện, nguyên Giám đốc Trung tâm điều độ về hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nêu quan điểm: Quy hoạch điện VIII là qui hoạch ngành đã được xây dựng dựa trên các qui hoạch quốc gia và tỉnh liên quan căn cứ vào Luật Qui hoạch hiện hành. Bộ Công Thương đã tuân thủ qui trình thực hiện lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào đời sống kinh tế và chính trị của thế giới thì chúng ta đã thấy sự thay đổi rất nhanh của các yếu tố đầu vào như: Giá nhiên liệu hóa thạch như Than, Dầu và Khí có thể tăng vọt khi có những biến động lớn trong chuỗi cung ứng hay tranh chấp địa chính trị trong khu vực hay quốc tế. Giá các loại nhiên liệu này đã tăng đến 400-500% khi có chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Ông Trần Anh Thái  -nguyên Trưởng Ban Lưới điện, nguyên Giám đốc Trung tâm điều độ về hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Phụ tải của các vùng trong nước có thể thay đổi lớn khi có sự dịch chuyển của các nhà máy theo chuỗi cung ứng quốc tế, cả đến và cả đi. Lưu ý là, ngoài các ưu đãi về thuế-phí, ưu thế về nguồn nhân lực thì năng lực của hạ tầng trong đó đảm bảo cung cấp điện, mà phải là điện sạch là một yếu tố quan trọng của khả năng thu hút đầu tư.

Công nghệ phát điện bằng các loại nguồn điện sạch, trong đó có gió, mặt trời thậm chí cả điện hạt nhân ngày càng phát triển và giá thành đang giảm với tốc độ đáng kế. Ví dụ chi phí thiết bị và tấm pin mặt trời trong 10 năm qua đã giảm đến 80%. Đi kèm với đó là chi phí cho các công nghệ phục vụ truyền tải phân phối và tích trữ năng lượng để nâng cao khả năng tích hợp tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành hệ thống điện cũng giảm với tốc độ nhanh khi được sử dụng rộng rãi.

Nhu cầu về độc lập năng lượng của quốc gia cũng trở nên ngày càng bức thiết để khắc phục được rủi ro khi có những sự kiện hay biến động trong tranh chấp chủ quyền cũng như địa chính trị của khu vực hay trên thế giới. Chúng ta đã thấy một châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung khí của Nga khó khăn như thế nào trong thời gian vừa qua. Nhu cầu và xu thế chuyển dịch năng lượng, các ngành công nghiệp, giao thông vận tải hay tiêu dùng đang có xu thế chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang điện hay các sản phẩm được sản xuất từ điện như Hydrogen. Việt Nam cũng phải thực hiện quá trình này do lộ trình đánh thuế carbon của các nước đối với  hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không đáp ứng các tiêu chí về phát thải.

Với những lý do trên, ông Trần Anh Thái cho rằng, Dự thảo Quy hoạch điện VIII cần phân tích và đánh giá rủi ro đối với việc triển khai các dự án nhà máy điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than và nhiệt điện khí từ nay cho đến năm 2030. Khối lượng này là quá lớn mà thời gian chúng ta không còn nhiều. Do vậy, trên cơ sở đánh giá rủi ro này, cần đưa ra luôn giải pháp thay thế để việc điều chỉnh qui hoạch trong quá trình thực hiện được thuận lợi, nhanh chóng và tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, Dự thảo Quy hoạch điện VIII cần đánh giá đầy đủ các giải pháp phải thực hiện để có thể tích hợp với tỷ lệ ngày càng cao các nhà máy gió và mặt trời vào hệ thống điện. Các giải pháp kỹ thuật để xử lý các vấn đề kỹ thuật như quán tính thấp, liên kết yếu, điều khiển tần số, điều khiển điện áp, ổn định động… của hệ thống điện cũng cần được xem xét vì chi phí thực hiện cũng không phải là nhỏ.

Phát triển hệ thống truyền tải điện là một giải pháp không thể thay thế khi các nguồn thủy điện, gió, mặt trời có tỷ trọng lớn trong hệ thống điện. Do đặc điểm của các loại nguồn này chỉ có thể được xây dựng tại nơi có tiềm năng loại năng lượng này. Dựa vào qui hoạch nguồn điện đặc biệt là các Khu năng lượng tái tạo (REZ) và các trung tâm phụ tải ở 6 vùng 3 miền thì hệ thống truyền tải sẽ được qui hoạch tương ứng. Phần phân tích kinh tế đã có tính toán chi phí biên dài hạn tuy nhiên cần phân tích rõ hơn về các giá bán điện trung bình cho từng năm làm cơ sở để theo dõi việc thực hiện qui hoạch cũng như là đầu vào cần thiết cho quá trình điều chỉnh hay cập nhật Quy hoạch điện VIII.

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Đề cập về việc tạo điều kiện thực hiện các dự án điện, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu quan điểm: Qua thời gian thực hiện phát triển các dự án điện, giải phóng mặt bằng là vấn đề khó khăn nhất vì thủ tục chuyển đổi đất, cấp đất. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và quy định về đất đai, đặc biệt quy định về loại đất, cách thức xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, trong đó giá thị trường của đất cần được đánh giá theo giá thị trường sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời, ông Nguyễn Văn Vy đề xuất cơ chế sử dụng đất thực hiện có thể thực hiện theo các hình thức kết hợp phát triển các dự án năng lượng tái tạo với sản xuất nông nghiệp. Chủ đầu tư không phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo thuê đất của các hộ nông dân để thực hiện dự án, giá thuê đất được điều chỉnh theo thỏa thuận của 2 bên. Người nông dân vẫn thực hiện sản xuất nông nghiệp, nhưng không được làm ảnh hưởng đến vận hành của nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo.

Nếu không có tính toán căn cơ, giải pháp sớm thì sẽ tiếp tục nhập ròng năng lượng lớn

Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định: Việc xem xét việc lập, quá trình phê duyệt Quy hoạch điện VIII là một nhiệm vụ của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lập Quy hoạch điện VIII là một nhiệm vụ lớn với Bộ Công Thương. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Bộ đã nhiều lần báo cáo với Chính phủ và hiện nay đã đi đến giai đoạn cuối cùng của việc xây dựng Quy hoạch này.


Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An làm rõ một số vấn đề các đại biểu nêu tại Hội thảo.

Quy hoạch điện VIII là quy hoạch khó, tác động lớn đến phát triển điện lực, liên quan đến thực hiện các mục tiêu phát triển của nước ta. Điểm khó khác của Quy hoạch điện VIII là có bối cảnh rất khác với bối cảnh lập các quy hoạch điện trước. Bởi xu thế tiêu thụ của năng lượng của thế giới tác động cơ bản đến việc khai thác, sử dụng năng lượng, trong đó gần đây xu thế giảm tiêu thụ carbon đang là rào cản với các nền kinh tế. Ngoài ra, các yếu tố bất thường như căng thẳng địa chính trị cũng đòi hỏi các quốc gia phải xem lại bài toán năng lượng, phát triển điện lực.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, thực tế, từ năm 2015, từ quốc gia xuất khẩu năng lượng ròng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Các tính toán trước đây và cho đến bây giờ cho thấy, nếu chúng ta không có tính toán căn cơ, giải pháp sớm thì sẽ tiếp tục nhập ròng năng lượng lớn trong xu thế chung của khu vực Đông Nam Á, song hiện không dễ gì nhập khẩu than, khí hóa lỏng vì sẽ đẩy giá gấp 4 lần so với hiện nay. Nếu không tính toán lại căn cơ, chúng ta sẽ rất khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng Quy hoạch điện VIII, tạo cơ sở quan trọng để thực hiện phát triển bền vững năng lượng trong nước, bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh trên thế giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng đã làm rõ những nội dung, ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến Quy hoạch điện VIII.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh Quy hoạch điện VIII đóng vai trò rất quan trọng vào phát triển năng lượng, nền kinh tế xã hội; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đối với Quy hoạch điện VIII. Tất cả hững đóng góp đều đa dạng, phong phú và sâu sắc về quá trình lập, trình duyệt và các nội dung cơ bản của dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó tập trung vào các nội dung: Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện và kịch bản phát triển nguồn điện; Việc bảo đảm tính đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện; Việc bảo đảm nguồn cung và giá cả nhiên liệu; Nhu cầu sử dụng đất, hiệu quả kinh tế xã hội; Nhu cầu nguồn vốn và cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển; Cam kết COP26 và Quy hoạch điện VIII; Danh mục các dự án ưu tiên.

Trong các vấn đề trên, các đại biểu cũng đã nêu những vấn đề đặt ra, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ, giải quyết trong Quy hoạch. Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ chỉ đạo việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Báo cáo tổng thuật Hội thảo và báo cáo lãnh đạo Đoàn giám sát, Lãnh đạo Quốc hội./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:


Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Hội thảo.


Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam dự báo về nhu cầu tiêu thụ điện và kịch bản phát triển nguồn điện.

Ông Phạm Hoàng Lương - Đại học Bách Khoa Hà Nội đề cập về nhu cầu nguồn vốn và cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn đầu tư phát triển trong Quy hoạch điện VIII. 


Ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề cập về những vấn đề cần chú ý khi thực hiện Quy hoạch điện VIII.


PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho ý kiến về cơ chế để vận hành, xây dựng hệ thống điện đáp ứng được trong tương lai. 

Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu quan điểm về cam kết thực hiện COP 26 và những nhiệm vụ trọng tâm khi thực hiện Quy hoạch điện VIII.


Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đóng góp ý kiến về xây dựng thị trường điện cạnh tranh.


Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh Quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới cần chú trọng đến tránh tình trạng phải nhập khẩu ròng năng lượng.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu kết luận Hội thảo và cho biết, Thường trực Ủy ban sẽ chỉ đạo việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Báo cáo tổng thuật Hội thảo và báo cáo lãnh đạo Đoàn giám sát, Lãnh đạo Quốc hội./.

Bích Lan - Phạm Thắng