ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA THỎA THUẬN HỢP TÁC KHU VỰC TAM GIÁC CAMPUCHIA-LÀO-VIỆT NAM QUA GẦN 20 NĂM PHÁT TRIỂN

10/07/2018

Sáng 09/7, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu, Ủy ban Đối ngoại tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 5. Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đã nghe báo cáo về tác động của thỏa thuận hợp tác khu vực tam giác Campuchia-Lào-Việt Nam qua gần 20 năm hình thành và phát triển.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thế Phương trình bày báo cáo

Những tác động tích cực về kinh tế, quốc phòng và đối ngoại

Trình bày Báo cáo thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam trong khu vực tam giác phát triển CLV, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, Chương trình Hợp tác Khu vực tam giác phá triển Campuchia-Lào-Việt Nam đã trải quan gần 20 năm hình thành và phát triển. Trong thời gian qua các bộ, ngành ba nước và 13 tỉnh trong khu vực đã phối hợp chặt chẽ để triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao ba nước và đạt được những kết quả nhất định. Về sự phát triển kinh tế: khu vực đã có bước tăng trưởng cao so với tốc độ tăng trưởng bình quân của mỗi nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; một số địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân mỗi nước; hệ thống cơ sở hạ tầng bước đầu được hình thành và phát triển, nhất là trong lĩnh vực giao thông, cấp điện.

Không chỉ có những tác động tích cực về kinh tế, việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam còn có những tác động quan trọng về quốc phòng, an ninh. Theo đó, lực lượng quốc phòng – an ninh ba bên thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, học tập chuyên môn nghiệp vụ, cùng hợp tác trong quản lý, bảo vệ biên giới, phòng ngừa ngăn chặn vượt biên trái phép và các loại tội phạm trên biên giới; quốc phòng-an ninh trong khu vực ngày càng ổn định và đảm bảo, là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tình hữu nghị hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực giữa các bên.

Về tác động đối ngoại, quan hệ đối ngoại trong khu vực ngày càng sôi động, tăng cường và hiệu quả; triển khai các thỏa thuận hợp tác ba nước là cơ sở để các bên tiếp xúc, trao đổi, đàm phán và xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện; các hội nghị, diễn đàn ba bên diễn ra sôi nổi từ trung ương đến địa phương theo chế độ định kỳ và luân phiên nhằm tăng cường tình đoàn kết giữa các tỉnh trong khu vực nói riêng và ba nước nói chung.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ủy ban Đối ngoại

Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác

Nhận thức được những tác động tích cực của việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam trong khu vực tam giác phát triển CLV, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất để việc thực hiện các Thỏa thuận đi và thực chất và có hiệu quả. Cụ thể, tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác. Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ ngân sách để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong Khu vực tam giác phát triển của Việt Nam. Các bộ, ngành địa phương tiếp tục phối hợp và triển khai thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao ba nước; tập trung tích cực hơn nữa để phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương cho hợp tác, phát triển, trong đó tập trung khai thác các tiềm năng là nguồn nhân lực, vốn đầu tư, công nghệ trong một số ngành và lĩnh vực như nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp, chế biến…

Cùng với việc hợp tác phát triển kinh tế, Báo cáo chỉ chỉ ra rằng các bên tham gia thỏa thuận cần chú trọng hợp tác phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục –đào tạo, xóa đói giảm nghèo, văn hóa , thể dục, thể thao để từng bước nâng cao dân trí của khu vực; gắn hợp tác phát triển với bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác tài nguyên hợp lý, phát triển bền vững tại mỗi nước và cả khu vực tam giác phát triển. Đồng thời, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đưa ra giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng thông qua việc thực hiện các hiệp định song phương về hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới, vận tải liên quốc gia, vận tải đa phương thức giữa các nước; phát huy tối đa sự hỗ trợ huy động nguồn lực từ các cơ chế tài chính ASEAN và Châu Á như quý kết cấu hạ tầng ASEAN, quỹ hợp tác và hội nhập khu vực RCIF, quỹ sáng kiến đầu tư chất lượng cao của Nhật Bản…

 

Hồ Hương- Trọng Quỳnh