ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI GIÁM SÁT TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

25/04/2019

Ngày 24/4, Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế ký kết giữa Việt Nam với Liên bang Nga giai đoạn 2001-2018. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu dẫn đầu Đoàn giám sát.

Tham dự buổi làm việc có bà Nguyễn Thị Nghĩa - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hải Phòng; lãnh đạo UBND thành phố và đại diện các sở, ngành địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát, nhận định quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, với bề dày truyền thống gần 70 năm. Mục tiêu của liên minh nghị viện hai nước là đưa hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga đi vào chiều sâu và thực chất hơn trong mọi lĩnh vực. Chính vì vậy, việc thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết với Liên bang Nga là vấn đề quan trọng, cần được quan tâm sâu sát.

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND thành phố Hải Phòng cho biết, Quan hệ hữu nghị giữa Tp.Hải Phòng và Liên bang Nga được đánh dấu bằng 2 văn bản: Thỏa thuận hợp tác với thành phố Xanh Pê-téc-bua (giai đoạn 2006-2011) và Thỏa thuận hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học kĩ thuật và văn hóa con người giữa Hải Phòng và tỉnh Primorie (giai đoạn 2017-2021). Bên cạnh đó, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú tại Hải Phòng cũng ký kết một số thỏa thuận hợp tác với các cơ sở giáo dục tại Nga.

 

 

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại - Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Hải Phòng

Trong thời gian qua, việc triển khai các thỏa thuận đã đạt được một số kết quả cụ thể: Hải Phòng có 03 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Liên bang Nga với tổng số vốn 0,98 triệu USD, chiếm 0,06% tổng số vốn FDI còn hiệu lực tại thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các thỏa thuận còn một số vướng mắc như nhận thức về hợp tác quốc tế với các đối tác Liên bang Nga của một số đơn vị chưa đầy đủ dẫn đến chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai các hoạt động hợp tác; khoảng cách địa lý xa xôi nên việc triển khai hoạt động trao đổi đoàn các cấp còn khó khăn.

Lãnh đạo Tp.Hải Phòng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương hỗ trợ Hải Phòng trong việc giới thiệu thông tin về thành phố tới các địa phương/đối tác Liên bang Nga, kết nối để Hải Phòng tham dự các chương trình, hội thảo gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của Tp. Hải Phòng trong thời gian qua để tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực với Liên bang Nga, tuy nhiên, Đoàn giám sát nhận định, những kết quả đạt được hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nhiều ý kiến góp ý đã được các thành viên Đoàn giám sát đưa ra nhằm gia tăng hiệu quả hợp tác giữa Hải Phòng với Liên bang Nga.

Theo ông Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, về hợp tác đào tạo, nên xem xét tính hai chiều. Phía Việt Nam, cụ thể là Thành phố Hải Phòng cũng nên có các học bổng thu hút học sinh, sinh viên Nga sang Việt Nam học tập, trở thành cầu nối về văn hóa giữa hai nước.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Phó Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga cho rằng việc lựa chọn địa phương tại Liên bang Nga để hợp tác nên được cân nhắc để đi sâu vào chất lượng, dựa vào sự tương đồng về địa lý, kinh tế như lĩnh vực đóng tàu, cảng biển, trong đó nên duy trì hợp tác toàn diện với thành phố Vladivostok.

Bên cạnh đó, hợp tác về nguồn nhân lực, xuất khẩu lao động được đoàn giám sát nhận định là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Công tác quảng bá hình ảnh nên được Hải Phòng chú trọng hơn trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại - Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát nhận định, Hải Phòng có vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ giao thương đường biển tại các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, Hải Phòng đã phát triển nhanh chóng, hoàn thiện các điều kiện về kết nối giao thông, tạo lập nền tảng cho hợp tác, phát triển. Theo Trưởng Đoàn giám sát, việc lựa chọn đối tác hợp tác tại Liên bang Nga cần phải được thành phố nghiên cứu kĩ lưỡng, theo tư duy doanh nghiệp đi đầu.

Đoàn giám sát cho biết sẽ hỗ trợ Thành phố Hải Phòng trong việc giới thiệu thông tin tới các địa phương/đối tác tiềm năng tại Liên bang Nga, kết nối để Hải Phòng tham dự các chương trình, hội thảo gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian tới.

*** Chiều ngày 24/4, trong khuôn khổ giám sát về Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết giữa Việt Nam và LB Nga giai đoạn 2001-2018, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có buổi làm việc với Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú và Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Đây là hai cơ sở giáo dục tại Hải Phòng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường học tại Liên bang Nga.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại - Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú cho biết, Trường đã ký thỏa thuận hợp tác giáo dục với các đối tác Liên bang Nga (từ năm 2012-2021) bao gồm: Trường Trung học phổ thông số 17 quận Tây Nam thành phố Moscow, Đại học Nghiên cứu tổng hợp quốc gia Tomsk. Nội dung hợp tác chính bao gồm: trao đổi các đoàn giáo viên và học sinh, tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về văn hóa, lịch sử hai nước, trao đổi các sản phẩm sáng tạo, tạo cầu nối giao lưu giữa học sinh hai nước. Quá trình hợp tác với các cơ sở giáo dục tại Liên bang Nga đã tạo cơ hội tốt cho các em học sinh giao lưu văn hóa, tìm hiểu về lịch sử, con người nước Nga, thúc đẩy việc học tiếng Nga trong nhà trường, đồng thời tạo điều kiện để các nhà quản lý và giáo viên trao đổi kinh nghiệm sư phạm và quản lý giáo dục.

Đoàn giám sát đánh giá cao hiệu quả từ việc hợp tác giữa trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú và các trường tại Liên bang Nga. Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát nhấn mạnh, cần gắn đào tạo tiếng Nga với những cơ hội học tập, việc làm cụ thể để các em học sinh có thể theo đuổi việc học tiếng Nga trong dài hạn.

*** Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát đã đến thăm và làm việc  với Đại học hàng hải Việt Nam.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại - Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc

Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ bậc Đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ tại Liên bang Nga, Đại học Hàng hải Việt Nam thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các trường đại học lớn tại Nga như: Đại học xây dựng Moscow, Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Sông Đông, Đại học Kỹ thuật biển Saint Petersburg…, trong đó nổi bật là thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Hàng hải Nga mang tên Đô đốc G.I.Nevelskoy (giai đoạn 2014-2019) về nghiên cứu tính khả thi trong việc xây dựng phòng thí nghiệm hóa dầu phục vụ nghiên cứu và giảng dạy cho học viên sau đại học của Việt Nam và Liên bang Nga.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại - Trưởng Đoàn giám sát, cùng Đoàn công tác kiểm tra mô hình đào tạo

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được trong hợp tác với các đối tác Liên bang Nga, nhà trường gặp phải một số khó khăn: tính hấp dẫn trong việc đi học tại Nga giảm sút do tiếng Nga ít được giảng dạy và sử dụng tại Việt Nam, các ngành nghề đào tạo theo diện học bổng tại Nga còn giới hạn.

Đoàn giám sát ghi nhận các kiến nghị của Trường về những khó khăn, vướng mắc để tổng hợp báo cáo trình Quốc hội./.

Kim Ngọc - Sỹ Cường