Tham dự hội nghị còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân một số tỉnh thành phố, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học – Công nghệ…các chuyên gia, nhà khoa học cùng các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại.
Hội nghị giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết giữa Việt Nam và Liên bang Nga giai đoạn 2001-2018”
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy thực hiện và tăng cường hiệu quả các điều ước quốc tế đã ký kết giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hiện thực hóa các cam kết, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Đuma Quốc gia Liên bang Nga vào tháng 12/2018, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Đuma Quốc gia Liên bang Nga thành lập Ủy ban hợp tác liên nghị viện hai nước. Việc hình thành Liên minh để phát huy chức năng, quyền hạn cơ quan quyền lực, cơ quan lập pháp hai nước, thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận, hợp tác. Chuyên đề giám sát lần này nhằm phục vụ phiên họp lần thứ nhất giữa Chủ tịch Quốc hội hai nước dự kiến tổ chức tại Liên bang Nga vào tháng 12 năm nay.
Hội nghị giám sát là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyên đề giám sát, tiếp nối các hoạt động giám sát thực tế tại các tỉnh, thành Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Khánh Hòa, khảo sát tại Moscow, Liên bang Nga.
Tại hội nghị các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình ký kết và thực hiện các Điều ước quốc tế đã ký kết giữa Việt Nam – Liên bang Nga; tình hình ký kết, triển khai các Biên bản cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật và tình hình triển khai từng dự án đầu tư ưu tiên Việt Nam – Liên bang Nga thời gian qua.
Với xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực và thế giới, Việt Nam và Liên bang Nga đã triển khai nhiều cơ chế hợp tác chung như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và nhiều cơ chế hợp tác khác.
Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết triển khai nhiều điều ước quốc tế trên nhiều lĩnh vực ở cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành và địa phương. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp của hại nước đã ký kết và triển khai các hợp đồng hợp tác, dự án đầu tư nhằm khai thác và mở rộng thị trường; đã hình thành cộng đồng người Việt tại Nga đề làm ăn, sinh sống, bước đầu tạo được cơ sở vững chắc và đóng góp cho sự phát triển trong đời sống và xã hội nước sở tại.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng báo cáo tại hội nghị
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác thời gian qua như kim ngạch thương mại hai chiều, đầu tư, khai thác du lịch… vẫn còn khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ truyền thống lâu đời, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Đối với tình hình ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga, theo đánh giá trong các báo cáo của một số bộ ngành và địa phương cho thấy còn hạn chế. Hiệu lực hiệu quả của các điều ước quốc tế chưa cao. Nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế còn chậm, chưa xây dựng kế hoach thực hiện điều ước quốc tế hay có kế hoạch nhưng chung chung, thiếu sự phân công, phối hợp. Việc bảo đảm nguồn vốn đối ứng cho một số chương trình, dự án hợp tác còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện cũng như tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện điều ước quốc tế chưa được quan tâm đúng mức.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng vướng mắc, hạn chế lớn nhất trong việc thực hiện các điều ước quốc tế đã ký giữa hai nước là do các bộ, ngành, địa phương chậm triển khai các thỏa thuận đã ký kết, công tác phối hợp cập nhật thông tin tình hình đàm phán ký kết các điều ước quốc tế chưa được đề cao. Các cơ quan chủ trì đàm phán chưa đánh giá được hết tác động các tác động, nguồn lực thực hiện. Do vậy cần có đánh giá tác động nghiêm túc, toàn diện, kỹ lưỡng trên các lĩnh vực khi đó mới có thể thực hiện tốt trên thực tế.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai thực hiện các điều ước quốc tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga về tổng thể cần xử lý đúng đắn mối quan hệ với Nga trong tổng thể các mối quan hệ các đối tác khác, đòi hỏi nỗ lực cao của lãnh đạo hai nước. Trong đó, coi trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước, chủ động đưa ra sáng kiến hợp tác kinh tế, khuyến khích đầu tư; hoàn thiện cơ chế chính sách cho kí kết điều ước quốc tế. Đặc biệt, cần tăng cường giám sát thực hiện điều ước quốc tế, có đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện, phát huy các cơ chế hợp tác hai nước như các cơ chế liên Chính phủ hay Ủy ban hợp tác liên nghị viện Việt - Nga đi vào thực chất.
Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Chương cho rằng, quan hệ hữu nghị Việt – Nga là quan hệ có tính truyền thống, lâu đời, không thể vì hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư còn hạn chế mà xem nhẹ đi tính chất quan hệ hai nước. Các điều ước hai nước ký kết đều có sự kế thừa trong lịch sử, đặc biệt là những hợp tác về quốc phòng- an ninh. Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Chương lưu ý hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước chưa phát triển đúng tầm so với tiềm lực sẵn có của mỗi nước nhưng cần phải hiểu rằng muốn thực hiện các cam kết phải hội tụ các điều kiện cụ thể, trong khi tình hình chính trị, kinh tế của Nga hiện có những khó khăn nhất định. Do đó cần có những đánh giá khách quan, toàn diện tình hình, cần có rà soát các điều ước quốc tế còn hiệu lực để đôn đốc thực hiện các điều ước, thỏa thuận đủ điều kiện triển khai.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ qua xem xét báo cáo và ý kiến thảo luận cho thấy, các cơ quan đều thống nhất cần thiết thúc đẩy hợp tác kênh lập pháp giữa hai nước phát huy truyền thống lâu đời tốt đẹp của hai quốc gia, tăng cường hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tiếp thu các ý kiến trao đổi phong phú, tâm huyết tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết Ủy ban sẽ hoàn thiện báo cáo để gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới, đồng thời chuyển các kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành để xử lý những vấn đề phát sinh cũng như phục vụ chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội trong cơ chế hợp tác mới giữa hai nước./.